Hàng hóa thiết yếu sát Tết: “Trận địa” bỏ trống cho thị trường tự do

Thứ năm, 31/12/2015, 15:18
Đó là khẳng định của ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị TP.Hà Nội - với PV Báo Lao Động khi nói về việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu dịp sát Tết Âm lịch.
Hàng Tết ngập tràn siêu thị

“Thường từ 23 Tết đến 29 Tết, giá thịt thăn, chuối xanh, gà ta, thủy hải sản tươi, rau củ quả cao cấp sẽ tăng tới 20 - 30%. Lúc đó siêu thị nhà nước vỡ trận rồi, không có gà ta, chỉ có gà công nghiệp, cũng không có thủy hải sản tươi. Lúc ấy “trận địa” bỏ trống từ 23 Tết đến 29 Tết cho thị trường tự do quyết định” - ông Vinh nói.

Tình trạng này lặp lại nhiều năm nhưng tại sao vẫn không khắc phục được, thưa ông?

Vì Quỹ bình ổn giá TP.Hà Nội tung ra 200 tỉ đồng nhưng chỉ bao được 8% doanh số, còn 92% thị trường tự do quyết định. Lúc đó sạp thịt tại các siêu thị như Intimex, Fivimart chỉ có khoảng 5 cân thịt thôi, nhưng lại không có thịt thăn tất cả, mà chỉ có 1-2 cân thịt thăn, vậy bán cho ai. Thị trường tự do tại chợ có hàng yến thịt thăn sẽ quyết định giá cả.

Ngoài ra siêu thị không bán hoặc hết hàng gà ta, chuối xanh nên thị trường tự do sẽ quyết định tất cả. Chuối xanh 100.000 đồng/nải người dân vẫn phải mua. Quan trọng là nếu muốn áp đảo thị trường, cung phải lớn hơn cầu và giá phải cạnh tranh. Năm nào cũng thế, bản thân siêu thị cũng rất muốn nhưng lực bất tòng tâm.

Như vậy có thể hiểu TP.Hà Nội tung ra hàng trăm tỉ để bình ổn giá vào dịp Tết nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu hàng thiết yếu của người dân?

Với việc bình ổn giá Tết của TP.Hà Nội, khi giá xuống là tiểu thương vét hết, người dân không ai được mua với giá thấp. Tôi kiểm tra siêu thị Hapro ở Thái Thịnh và bảo với quản lý siêu thị sao không bày dầu ăn bán cho dân thì người quản lý bảo, bày ra bán nhưng tiểu thương mua hết, chiều lại xếp tiếp ra 5 chai. Tôi bảo bán kiểu thập thò này thì bán gì.

Vậy theo ông, TP.Hà Nội nên làm gì để phát huy hiệu quả quỹ bình ổn giá vào dịp Tết?

Bình ổn giá nên làm ở cung cầu, chứ làm theo kiểu xin cho như Hà Nội là không ổn và lực lượng không đủ để làm. TP.HCM bỏ bình ổn giá 3 năm nay rồi và rất chú trọng vào kết nối cung cầu là quan trọng. Anh tổ chức nguồn hàng, kết nối cung cầu, đưa thẳng nguồn hàng từ sản xuất tới bán lẻ, qua bớt khâu trung gian để giảm giá đi và đồng thời gom vào để tổ chức chất lượng. Giá bán tại TP.HCM luôn thấp hơn Hà Nội vào dịp Tết mà họ lại không mất tiền. Cách làm của Hà Nội rất bảo thủ. Mặt khác, hàng bình ổn Tết tại Hà Nội không đấu thầu, giá lại cao.

Đó là tạo ra cơ chế xin cho, nhóm lợi ích trong đó. Nguy hiểm là lợi dụng chính sách Nhà nước, bình ổn là phi thị trường, méo mó nên để cho tự do cạnh tranh. Có bình ổn phải bình ổn ở khâu sản xuất, tổ chức nguồn hàng đưa về chứ không phải bình ổn ở khâu bán lẻ. Rồi bình ổn sai mặt hàng, vốn dự trữ nằm chết ở đó. Bình ổn ép cả nhà sản xuất, nhà sản xuất bảo giá lên rồi, nhưng lại bảo giá vẫn vậy

Đặt vào vị trí của ông, ông sẽ mua những mặt hàng như gà, giò, chuối xanh vào lúc nào?

Bây giờ sắm Tết rất đàng hoàng. Đi một tiếng có thể mua được xong. Còn hàng tươi, kinh nghiệm của tôi là tầm ngày 27 Tết tôi mới mua. Tôi không vào siêu thị vì khi đó siêu thị cũng không còn hàng mà mua ở chợ, thị trường tự do quyết định giá và quyết định hàng hóa.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn