Chỉ trong 2 ngày giữa tháng 1 vừa qua, Cảnh sát môi trường TP.HCM liên tiếp kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở chế biến hàng tấn măng khô, tươi tại TP.HCM vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các cơ sở sản xuất măng đều dùng hóa chất trong dệt may công nghiệp, được xác định là độc hại nguy hiểm cho sức khỏe con người, để ngâm măng tươi, tạo màu cho sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Trong khi đó có rất nhiều mặt hàng khô phục vụ tết như: nấm, bún miến, rong biển... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, lạm dụng chất bảo quản chống nấm mốc, đa số được nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc được bày bán tràn ngập trên thị trường dưới “mác” hàng Việt, Nhật, Hàn...
Nhiều thực phẩm khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được bán tràn ngập thị trường |
“Lẩu Nhật, Hàn dùng thì nấm của họ chứ đâu”
Đó là lời giải thích xuất xứ Nhật, Hàn của nhiều người bán nấm, rong biển khô... mà chúng tôi gặp. Dạo quanh một số chợ bán lẻ tại khu vực TP.HCM như chợ Bà Chiểu, Tân Định, Bình Thới, Tân Phước, Minh Phụng, Tân Bình... đến các chợ bán sỉ Bình Tây, An Đông và trên một số tuyến đường bán sỉ các mặt hàng khô, gia vị ở Q.6 vào những ngày giáp tết, mới thấy, mâm cơm gia đình ngày tết đang được chế biến từ nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng nhiều vô kể.
Bà Thủy bán hàng gia vị lớn trong chợ Tân Phước (Q.Tân Bình, TP.HCM) xách ra bịch xốp lớn không có nhãn mác đựng khoảng 5 kg nấm hương khô, báo giá 45.000 đồng/100 gr, mua cả ký bớt 10.000 đồng, bán 440.000 đồng/kg. Bà Thủy nói: “Hàng của Nhật đây. Loại nấm hương được coi như thực phẩm “vua” trong chế biến đồ chay. Nhưng dùng nấu canh, nấu lẩu, xào đều ngon. Tháng trước bán 400.000 đồng/kg, nay Tết tăng 50.000 đồng/kg”. Chỉ một loại nấm khô khác, giới thiệu là nấm đông cô cũng của Nhật, bà Thủy cho biết loại này giá rẻ hơn, từ 330.000 đồng/kg.
Đa số người bán tại các chợ lẻ đều cho biết, người tiêu dùng đang có xu hướng chọn mua một số thực vật thay thế cho các loại thịt vốn bị nhiều “tai tiếng” sử dụng chất tạo nạc, chất cấm trong năm qua. “Mấy loại nấm khô bán cho mấy ngày tết này sướng lắm. Hàng lấy về không kịp để bán vì các bà nội trợ dạo này ngại thịt có chất cấm trong chăn nuôi nên ít mua hơn. Họ bảo ăn nấm cho lành, không độc hại gì” - chị Thanh bán thực phẩm khô tại chợ Bình Thới (Q.11, TP.HCM) hồ hởi nói.
Khi được hỏi nấm này xuất xứ từ đâu, chị Thanh ậm ừ: “Lẩu nấm Nhật, Hàn Quốc toàn dùng mấy loại nấm cao cấp này, chắc chắn hàng của nước họ chứ ở đâu”. Tương tự, các loại rong biển dùng để nấu canh cũng không nhãn mác, được bỏ trong bịch ni lông trắng, bán theo lạng được chị Thanh giới thiệu của Hàn Quốc vì... “chỉ có người Hàn hay ăn canh rong biển”.
Tuy nhiên, tại chợ đầu mối Bình Tây (Q.6, TP.HCM), bà Sáng (người gốc Hoa), nói tiếng Việt bằng giọng lơ lớ, cười lớn khi được hỏi về xuất xứ các loại nấm hương, nấm bào ngư khô, nấm đông cô, nấm mèo, nấm tuyết... “Hàng VN chỉ có nấm mèo là chủ yếu, các loại nấm khô còn lại là của Trung Quốc. Ai bán hàng của Nhật của Hàn đâu tui không biết, chợ này chỉ có nấm khô của Trung Quốc, cung cấp cho cả nước chứ đâu chỉ có Sài Gòn này”.
Nhiều nhất tại chợ này là nấm hương và nấm bào ngư khô với giá bán rẻ hơn các chợ lẻ. Nấm hương giá từ 320.000 - 340.000 đồng/kg, nấm đông cô 260.000 - 280.000 đồng/kg, nấm mèo 110.000 - 130.000 đồng/kg. Riêng bún tàu giá 45.000 đồng/kg, được đóng trong bao bì lớn tiếng Trung Quốc, ghi sản xuất ở Quảng Đông, Trung Quốc.
Theo bà Sáng, đây là loại miến khô có giá rẻ nhất, chỉ bằng nửa giá các loại miến khô hàng Việt. Trước đó, tại chợ Bà Chiểu, hàng này được xé bao bì, đựng trong những bịch trắng và người bán giới thiệu với người viết bài này là miến làm thủ công của Hà Nội.
Rong biển khô được nhiều người bán tại chợ Bà Chiểu và An Đông cho biết là hàng của Hàn Quốc, giá bán 100.000 đồng/kg thì tại sạp hàng của bà Sáng, bán 70.000 đồng/kg và chính bà Sáng cũng khẳng định là rong biển khô của Trung Quốc.
Hàng trôi nổi khó nói an toàn
Thực tế, có rất nhiều loại nấm khô đang được nhiều bà nội trợ chọn làm đạm thực vật thay thế đạm động vật nhưng với kiểu bán hàng không nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng như nói trên, theo các chuyên gia, không ai có thể đảm bảo về độ an toàn.
Chuyên gia về thực phẩm, anh Nguyễn Công Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Saigon Linh Chi, chuyên sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư xuất khẩu sang châu Âu và cung cấp tại thị trường nội địa cho rằng, quy trình sản xuất nấm không đơn giản. Phải sấy khô để độ ẩm ít hơn 13%, sau đó đóng gói hút chân không.
Nếu quá trình đóng gói đúng chuẩn quốc tế, thời gian bảo quản các loại nấm khô này ít nhất 2 năm. Nhưng với những người sản xuất hàng bán trôi nổi thường cho nấm xông hơi bằng chất lưu huỳnh, sử dụng chất bảo quản diệt mối mọt và không đầu tư làm bao bì hút chân không, cũng không giữ khô dưới 13% độ ẩm... Ăn phải những thực phẩm còn chất lưu huỳnh và hóa chất công nghiệp này rất nguy hại cho sức khỏe.
Một chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho biết với các loại thực phẩm khô nếu đã không phơi sấy kỹ, bảo quản kém rất dễ bị nấm mốc mà mắt thường không thấy được. Ngoài việc mất chất dinh dưỡng, nếu ăn phải các loại nấm khô đã nhiễm nấm mốc, ký sinh trùng... rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm cấp về đường tiêu hóa nguy hiểm.
Ngoài ra, theo TS Văn Thị Hạnh, chuyên gia công nghệ sinh học, một trong những nấm mốc đáng lo ngại nhất trong thực phẩm khô là độc tố aflatoxin, tác nhân dẫn đến bệnh ung thư. “Thực phẩm bị mốc, bất luận đắt đến mức nào cũng nên bỏ đi không nên sử dụng.
Thứ nữa, với các hàng khô trôi nổi không nhãn mác, không xuất xứ, không hạn sử dụng, rất khó kiểm soát được hàm lượng chất bảo quản cho phép sử dụng ở ngưỡng an toàn trong thực phẩm không. Hoặc chất không cho phép đưa vào thực phẩm vẫn được sử dụng để tăng lợi nhuận. Nếu nhà sản xuất bất chấp an toàn thực phẩm, mở rộng ngưỡng an toàn này, tăng hàm lượng chất bảo quản cho phép, sẽ nguy hại đến sức khỏe.
Theo tôi, cách hay nhất trong sản xuất thực phẩm khô là sử dụng những chế phẩm sinh học, an toàn. Tuy nhiên, các chất này hiện chưa được ngành công nghiệp thực phẩm chú trọng vì giá đắt”.
Theo Thanh Niên