Mỗi lít xăng A92 hiện chỉ hơn 13.700 đồng, tương đương với giá năm 2009. Và tính từ đầu năm 2016 đến nay, xăng đã có 4 lần giảm liên tiếp, với tổng mức giảm là 2.700 đồng.
Tuy nhiên, giá cả hàng hóa trên thị trường vẫn án binh bất động, thậm chí một số mặt hàng như rau xanh và thực phẩm tươi sống vẫn cao chót vót, với lý do khan hàng sau Tết.
Theo khảo sát của Zing.vn, tại chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), hiện giá thịt giảm nhẹ; rau xanh và cá tươi vẫn ở mức cao, do khan hàng.
Giá một bắp cải là 20.000-25.000 đồng, cà chua 30.000 đồng/kg, rau muống 7.000 đồng một mớ… Cá chép 80.000 đồng/kg, rô phi 45.000 đồng/kg, trắm đen 150.000 đồng/kg,...
Theo chị Nguyễn Thị Thanh, bán thực phẩm ở chợ Dịch Vọng Hậu, dù giá xăng giảm mạnh tới bao nhiêu thì giá hàng hóa không bị ảnh hưởng nhiều. Bởi theo chị, từ trước tới nay, xăng tăng hay giảm không liên quan gì đến giá hàng hóa, đặc biệt là rau xanh và thịt tươi sống.
Nhiều đơn vị cho biết, chi phí xăng dầu chỉ chiếm một phần rất nhỏ chi phí cấu thành hàng hóa, do vậy hàng hóa rất khó giảm trong lần điều chỉnh giá xăng lần này. |
"Bán hàng bao nhiêu năm nay, tôi thấy cứ hàng hóa nào khan hiếm thì giá tăng. Ngược lại loại nào sẵn nguồn thì giá giảm, còn nếu dư thừa thì giá rẻ như cho. Hàng hóa đắt hay rẻ phụ thuộc vào nguồn cung, cầu và thời tiết, chứ chẳng liên quan đến xăng, dầu", chị Thanh cho hay.
Không chỉ các tiểu thương, nhiều đại diện đơn vị phân phối hàng hóa, siêu thị cũng cho biết, giá xăng giảm kỷ lục lần này không ảnh hưởng nhiều đến giá hàng hóa.
Đại diện siêu thị BigC cho biết, sau Tết các mặt hàng vẫn ở mức bình ổn giá. Và giá này có thể vẫn được giữ nguyên ngay cả sau đợt giá xăng giảm kỷ lục lần này.
Theo lý giải từ đơn vị này, từ nhiều năm trước đây, đặc biệt sau nhiều lần giá xăng lên xuống năm 2015, giá hàng hóa không biến động nhiều.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food cũng cho biết, giá xăng giảm hay tăng cũng không thể làm cho giá hàng hóa thay đổi theo được. Bởi chi phí cấu thành hàng hóa liên quan tới giá xăng là rất thấp, không đáng kể.
"Hiện các đơn vị vận chuyển vẫn chưa có kế hoạch giảm giá. Do đó, trong thời gian tới, giá hàng hóa vẫn có thể giữ nguyên nếu như các vấn đề về nguyên liệu, đầu vào, nguồn cung... ổn định", bà Lâm cho hay.
Chia sẻ với PV, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty trứng gia cầm Vĩnh Thành Đạt cho biết, do đặc thù ngành nghề nên doanh nghiệp chỉ sử dụng xăng dầu cho xe đi giao nhận hàng hóa, còn các công đoạn sản xuất khác đều sử dụng điện là chính.
Bên cạnh đó, chi phí xăng dầu chiếm rất nhỏ trong cơ cấu giá thành sản phẩm.Theo lý giải của ông Đạt, quả trứng ra thị trường giá hơn 2.000 đồng thì chi phí xăng dầu chỉ chiếm chưa tới 10 đồng.
"Cũng vì thế, nếu có giảm theo tỷ lệ giảm gần 1.000 đồng của giá xăng, thì phải giảm 10%. Mà 10% của 10 đồng nhỏ quá. Một ngày đơn vị đưa ra thị trường 500.000 quả trứng thì tính ra mức giảm vẫn là không đáng kể", ông Thiện cho hay.
Nhiều dự báo cho thấy giá cước taxi và hàng hóa sẽ giảm trong thời gian tới, song vẫn có độ trễ. |
Trong năm 2015, giá trứng có thay đổi nhiều lần, song việc thay đổi hoàn toàn không do giá xăng dầu tăng hay giảm. Việc điều chỉnh giá thành thường chỉ do ảnh hưởng từ các nguyên nhân khác như nguyên liệu, chi phí khác, nhu cầu thị trường... Chính vì vậy, theo đơn vị này, trong lần điều chỉnh giá xăng lần này, giá hàng hóa sẽ không có bất kỳ thay đổi gì.
Trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, hiện nay có 2 yếu tố để giảm giá hàng hóa, là giá cước vận tải và hệ thống phân phối. Song, theo ông, hệ thống phân phối vẫn đang lùng bùng, bởi còn rất nhiều khâu trung gian để đẩy giá hàng hóa lên cao.
Theo ông Phú, vừa rồi giá xăng giảm xuống còn 13.700 đồng/lít, mức giảm thấp nhất trong 7 năm qua thì chắc chắn giá hàng hóa sẽ giảm, song việc giảm phải có độ trễ của nó.
Nếu giá vận tải giảm, thì độ khoảng sau 15 ngày giá hàng hóa sẽ giảm, và mức giảm chỉ khoảng 2-3%. Nhưng quan trọng nhất vẫn là giá vận tải phải giảm, nếu không giảm thì giá hàng hóa mãi chỉ đứng im. Kết hợp với hệ thống phân phối "lẩm cẩm", thì giá hàng hóa còn đứng ở mức cao vô lý.
"Ở các nước khác có quy định, khi giá xăng giảm 10% thì giá cước hàng hóa phải giảm bao nhiêu % tương ứng. Và quy định ngay lập tức được thực hiện, chứ không phải chờ xin báo cáo, bảng giá, kiểm định như Việt Nam. Lại khổ nỗi, đến khi xin được đầy đủ giấy tờ thì giá xăng lại lên, hàng hóa lại có cớ không giảm nữa", ông Phú cho hay.
Ông Phú cho rằng, nguyên nhân hàng hóa giảm chậm do giá xăng chỉ chiếm 2-3% giá thành sản phẩm, trong khi chi phí của hệ thống phân phối chiếm tới 80%. Bên cạnh đó, phí thuế ở nước ta quá lớn. Đơn cử, 1 quả trứng cõng đến 14 loại phí thì sao hàng hóa giảm được, thậm chí nó còn có cớ tăng lên.
"Doanh nghiệp vận tải thì vin cớ mỗi lần giá xăng giảm vài trăm đồng, lại thêm mỗi lần điều chỉnh giá tốn kém nên không giảm theo. Còn doanh nghiệp sản xuất hàng hóa không chịu giảm giá vì cước vận tải vẫn chưa chịu giảm.
Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần phải có văn bản pháp quy rõ ràng. Khi nào giá xăng giảm hay tăng thì đồng loạt hàng hóa phải giảm/tăng tương ứng", ông Phú cho hay.
Ngày 10/6/2009, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) điều chỉnh tăng giá xăng thêm 1.000 đồng một lít. Khi đó, mỗi lít xăng RON 92 có giá 13.500 đồng.
Ngày 18/2/2016, thực hiện theo yêu cầu của liên bộ Tài chính - Công Thương, Petrolimex giảm giá xăng bán lẻ xuống gần 1.000 đồng, từ mức 14.710 đồng về 13.750 đồng.
Như vậy, sau gần 7 năm, giá xăng bán lẻ nội địa đã về mức tương đương nhau, và cũng đánh dấu những vùng giá thấp nhất trong vòng một thập kỷ của giá nhiên liệu trong nước. Tuy vậy, khi so sánh các mặt hàng khác, sự tương đồng về giá hầu như không xuất hiện, dù giá xăng - chi phí vận tải luôn là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng.
Đợt tăng giá khá cao của xăng ngày 10/6/2009 khi đó khiến các doanh nghiệp vận tải, nhất là taxi phải điều chỉnh tăng giá sau đó không lâu. Theo đó, mức giá của hai ông lớn ngành taxi là Mai Linh và Taxi Group khi đó là 10.000 đồng/km (với xe 4 chỗ) và 10.500 đồng (với xe 7 chỗ), tăng 500 đồng so với trước. Vào thời điểm này, Hiệp hội taxi TP.HCM cũng từng nhận định, mức tăng giá xăng mới sẽ khiến giá cước vận tải tăng khoảng 4%, và đẩy mức niêm yết giá của các doanh nghiệp lên từ 5 đến 7%.
Trong khi đó, giá mở cửa của taxi Mai Linh hiện nay khoảng 13.800 đồng/km, Taxi Group là 13.500 đồng/km. Riêng với xe 7 chỗ, các mức giá dao động trong khoảng 15.600 đồng.
Tương tự giá cước taxi, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác như viễn thông, thực phẩm... cũng có sự chênh lệch lớn, dù chi phí nhiên liệu đã về mức tương đương nhau. Cước gọi trung bình của các hãng viễn thông năm 2009 lên tới 1.650 đồng. Giá thịt lợn hơi khi đó ở mức 33.500 đồng/kg và giá gạo tẻ thường dao động từ 7.500 đến 8.500 đồng/kg.
Hiện tại, cước viễn thông trung bình của các nhà mạng đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1.000 đồng cho mỗi phút liên lạc. Thậm chí, nhiều gói cước có phí cuộc gọi chỉ là 750 đồng một phút. Giá thịt lợn hơi tại Hà Nội hiện là 44.000 đồng/kg, cao hơn 7 năm trước khoảng 30%. Riêng gạo tẻ thường được bán giá 9.500-10.500 đồng một kg.
Theo Zing