Nấm, bưởi, gạo... sạch bán mỏi tay không kịp cho khách

Thứ ba, 16/02/2016, 11:22
Nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong dịp tết vừa qua đã thắng đậm khi phần lớn hàng đưa ra thị trường dịp này đều “cháy hàng”.

Nhiều mặt hàng thực phẩm sạch được người tiêu dùng quan tâm trong ngày hội Nông đặc sản và hoa kiểng xuân Bính Thân 2016 - Ảnh: Duyên Phan

Trao đổi với anh Phạm Minh Thiện, phó giám đốc Công ty Cỏ May (Đồng Tháp), những ngày đầu năm mới, giọng anh vẫn còn phấn khích bởi mặt hàng nấm rơm tươi của công ty bán chạy đến mức bị mang tiếng là... chảnh.

Ngành nông nghiệp VN vốn nhiều lợi thế, nếu đạt tiêu chuẩn sạch nữa sẽ hoàn toàn cạnh tranh với quốc tế. Organic là những thực phẩm bình thường nhưng không sử dụng 80 loại hóa chất, nếu nông sản hữu cơ đã qua chế biến, giá trị sẽ tăng ít nhất 50% so với sản phẩm bình thường
Ông NGUYỄN LÂM VIÊN (Tổng giám đốc Vinamit)

Hàng ra không kịp bán

Trước tết, nấm tươi Cỏ May tham gia hội chợ nông sản tết ở TP.HCM với mục đích giới thiệu sản phẩm mới đến người tiêu dùng.

Thế nhưng hàng thu hoạch buổi sáng, trưa đem lên TP.HCM đã được khách mua hết, có hôm mang lên 100 hộp (250 gam/hộp) nhân viên bán hết chỉ trong vòng mấy chục phút.

“Chúng tôi phải giữ lại một ít hàng để giới thiệu cho người tiêu dùng đến sau, vậy là khách hỏi mua không được trách móc” - anh Thiện phân trần.

Kết thúc phiên chợ, gần 500kg nấm tươi được tiêu thụ cùng nhiều đơn hàng đặt mua nhưng doanh nghiệp lại chưa thể cung ứng kịp.

Phản hồi của người tiêu dùng rất tích cực, doanh nghiệp đang tính toán nếu sản xuất số lượng lớn có thể giảm giá xuống so với mức 160.000 đồng/kg hiện nay.

Trồng nấm rơm không ít người làm, nhưng để có thể tự tin cầm một tai nấm chấm muối ăn sống ngay chỗ thu hoạch thì không phải ai cũng làm được.

Nấm rơm Cỏ May trồng trong nhà, được theo dõi quá trình trao đổi oxy, với nhiệt độ tối ưu 13 - 150C mà không cần bất kỳ hóa chất nào, nấm vẫn cứng, giòn tự nhiên. Để có được nấm sạch, ngọt, nhóm nghiên cứu phải kiểm soát được nguồn rơm, meo, quy trình trồng.

Trong đó, nấm được trồng từ rơm của những ruộng lúa VietGap, đã qua xử lý tồn dư hóa chất trong rơm, đem hấp và đưa vào trong nhà kính để trồng nấm. Đặc biệt, loại nấm này có kích thước lớn, chậm bung dù.

“Đợi một thời gian sản phẩm đi vào ổn định, tôi muốn sẽ chuyển giao công nghệ cho nông dân để làm “vệ tinh” cho mình. Nếu được như vậy, người nông dân sẽ không phải lo đầu ra, không phải lo về công nghệ, kỹ thuật vì mình đã đưa quy trình vào kiểm soát quy trình của họ. Trồng nấm rơm sau 15 - 20 ngày là thu hoạch được, giá thành thấp nên lợi nhuận tốt, người nông dân sẽ cải thiện được thu nhập” - anh Thiện nói.

Tung ra thị trường tết 100 tấn bưởi da xanh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Đàm Văn Hưng (chủ doanh nghiệp Hương Miền Tây ở Bến Tre) cho biết mới 22 tháng chạp toàn bộ số hàng đã tiêu thụ hết.

Các siêu thị lớn tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh ĐBSCL gọi điện mua thêm nhưng không còn trái nào để giao.

Theo ông Hưng, toàn bộ bưởi da xanh khi trồng được giám sát chặt từ khâu sản xuất đến thu hoạch, vận chuyển về nhà máy sơ chế. Sản phẩm được dán nhãn VietGAP kèm theo thương hiệu doanh nghiệp và bao bì đóng gói cũng ghi rõ thông tin này.

Chính vì vậy, khách hàng của hệ thống siêu thị Co.op Mart, Citi Mart, Big C, Metro... mua bưởi da xanh thương hiệu Hương Miền Tây dịp tết vừa qua yên tâm đó là sản phẩm sạch.

“Bưởi VietGAP giá cao hơn bưởi thường gần 10.000 đồng/kg, chủ yếu để chưng trong mấy ngày tết nhưng khách hàng vẫn ưu tiên chọn mua. Ngay sau tết tôi sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã, tổ hợp tác ở Vĩnh Long chứ diện tích bưởi VietGAP ở Bến Tre hiện nay không đủ cung cấp cho thị trường” - ông Hưng nói.

Gạo sạch lên ngôi

Tương tự, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo ở TP.HCM và ĐBSCL khá phấn khởi trong dịp tết vừa qua không phải do thông tin xuất khẩu gạo nhiều mà là vì người tiêu dùng trong nước tìm mua gạo sạch VietGAP, GlobalGAP tăng đột biến.

Theo ông Phan Quốc Hùng (phó giám đốc Công ty TNHH ADC), sản phẩm gạo Trường Thọ được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Tiền Giang đã bán hết hàng từ trước tết.

“Công ty có mấy tấn gạo đưa ra thị trường nhưng chỉ vài giờ sau sản phẩm đã được đăng ký mua hết để làm quà tết” - ông Hùng nói.

Cũng như một số thương hiệu gạo sạch khác, gạo Lanny Rice sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại cánh đồng lớn Long An được đóng thùng giấy làm quà tết đã “cháy hàng" tại TP.HCM, Hà Nội và cả ở Singapore.

Bà Thân Thị Lan Ny (tổng giám đốc Công ty Kim Sáng) cho biết công ty đã dự báo trước nhu cầu gạo sạch làm quà tết nên đã chuẩn bị sản lượng gạo rất lớn đưa ra thị trường trước tết hai tháng nhưng đến giờ cuối cũng không đủ cung cấp.

Ông Trần Quốc Nam (giám đốc Công ty Docimexco, Đồng Tháp) nói không chỉ khách hàng ở TP.HCM hay Hà Nội mới tìm mua gạo sạch, người dân ở ngay vựa lúa ĐBSCL cũng săn tìm mua về ăn và làm quà tết.

Toàn bộ gạo dược liệu “Ngọc đỏ hương dứa” và gạo thơm lài sữa sản xuất theo quy trình hữu cơ, an toàn cho sức khỏe đưa ra thị trường bán hết vèo trong mấy bữa.

“Đây là thông tin rất vui đối với doanh nghiệp. Trước đây người ta nghĩ gạo VietGAP hay GlobalGAP chỉ xuất khẩu cho các nước giàu.

Nhưng bây giờ người tiêu dùng trong nước đã có ý thức sử dụng gạo sạch thì bắt buộc nông dân cũng phải thay đổi tư duy, chuyển sang sản xuất lúa theo các tiêu chuẩn này” - ông Nam phấn khởi.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên - tổng giám đốc Vinamit, khái niệm nông sản sạch không mới, mọi người đều nói nhiều về giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của nông sản, nhưng thật ra ăn để khỏe và bản chất nông sản ra đời là để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe con người.

“Xu hướng nông sản sạch hay nông sản hữu cơ là trở về đúng bản chất, vai trò của nông sản. Thị trường đang có nhiều tín hiệu tốt cho các sản phẩm sạch như nông sản hữu cơ đã qua chế biến” - ông Viên nói.

Trong lĩnh vực chế biến nông sản, thời gian qua người tiêu dùng bắt đầu biết nhiều hơn đến những sản phẩm nông sản sạch như xoài sấy dẻo của Công ty Việt Đức, thanh long sấy dẻo của Công ty Bé Dũng...

Dù khẳng định đây là xu hướng của tương lai, nhưng các nhà sản xuất đều cho rằng để thật sự phát triển nông sản sạch cần có thêm nhiều doanh nghiệp Việt cùng làm.

Bởi một sản phẩm phải bắt đầu nguồn nguyên liệu sạch, trong khi đây là điểm yếu nhất của nông nghiệp VN hiện nay.

Đông khách nhờ thịt sạch

Trước thực trạng thịt heo có chứa chất cấm salbutamol có mặt ở khắp nơi, trước tết ngành nông nghiệp Tiền Giang đã mở quầy thịt sạch ở chợ Mỹ Tho và Thạnh Trị (tại TP Mỹ Tho), treo biển thông báo thịt đã kiểm soát chất cấm.

Thông tin này ngay lập tức thu hút người tiêu dùng. Chị Cao Thị Mỹ Duyên (chủ hộ kinh doanh Chế Phích ở chợ Mỹ Tho) cho biết trước tết có rất nhiều khách hàng tìm đến quầy thịt heo của chị mua về ăn tết. Họ nói mua thịt ở đây thì yên tâm không lo chất cấm vì có ngành nông nghiệp đứng ra cam kết với người tiêu dùng.

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích