Tuy nhiên, trên thực tế, cà phê trộn bột ngô, bột đậu tương đã tồn tại từ lâu.
“Dù có đến thủ phủ cà phê là Tây Nguyên thì bạn cũng khó lòng mua được cà phê 'xịn' nếu như không có người bản địa mách nước”, đây là lời cảnh báo của không ít người dân đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên. Bởi hầu hết cà phê bán tại Tây Nguyên cũng bị pha trộn với bột ngô, bột đậu tương theo tỷ lệ nhất định, nhiều thì 40%, ít cũng 10%.
Mới đây, khảo sát của Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) đã chứng minh điều này.
Sống ở quốc gia xuất khẩu cà phê thuộc tốp đầu thế giới, người tiêu dùng Việt Nam phải uống cà phê rởm. |
Cụ thể, khảo sát từ tháng 4 đến tháng 7/2016 cho thấy, trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng, kết quả cho thấy tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine. Với 253 mẫu cà phê được khảo sát, 30,04% có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1gr/l), trong đó có 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine.
Trước đó, tháng 5/2016, một khảo sát nhanh khác trên 25 mẫu nước cà phê tại TP.HCM và Bình Dương cũng phát hiện 2 mẫu hoàn toàn không có caffeine. Tiếp đó, ngày 25/6, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) công bố có 2 mẫu không có hàm lượng caffeine trong 100 mẫu cà phê bột tại các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; 28/100 mẫu có hàm lượng caffeine < 1,0% (không đạt yêu cầu).
Đáng chú ý, theo các chuyên gia thực phẩm, việc độn bột ngô, bột đậu tương vào cà phê cũng đồng nghĩa với việc buộc phải sử dụng hương liệu, tinh dầu cà phê, thậm chí là kháng sinh chloramphenicol để đưa vào “cà phê” cho có mùi, vị.
Ngày 15/7, Đoàn thanh tra liên ngành TP.HCM cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện một số cơ sở rang xay cà phê tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh sản xuất cà phê “độn” đậu tương. Tại cơ sở ở Bình Tân, đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở này dùng nước mắm để tăng độ “thật” cho “cà phê”.
Theo chủ cơ sở, ngoài kinh doanh cà phê “nguyên chất”, cơ sở còn nhận gia công sản phẩm cà phê “độn” cho nhiều mối hàng, với giá 45.000 đồng/kg. Thông thường, cà phê “độn” đậu tương được thực hiện theo yêu cầu của khách với các tỉ lệ 40% đậu tương/60% cà phê hoặc 50% đậu tương/50% cà phê.
Tại cơ sở rang xay cà phê ở Bình Chánh, đoàn kiểm tra phát hiện số lượng lớn cà phê qua sơ chế có “độn” đậu tương cùng nhiều loại hương liệu, phẩm màu phục vụ cho quá trình chế biến. Tổ công tác niêm phong các lô hàng để tiếp tục xác minh, xử lý mức độ vi phạm.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, cà phê không có caffeine (hoặc có nhưng hàm lượng thấp) là loại cà phê độn ngũ cốc rang cháy, trộn thêm hương liệu. Nguyên liệu để làm cà phê giả là ngô và đậu tương.
Bởi hạt ngô, đậu tương tạo ra loại bột tương đối giống cà phê. Đồng thời, sau khi được rang, các loại hạt này cũng tạo nên độ thơm, ngậy nhất định. Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, đáng sợ nhất khi sử dụng các loại cà phê “rởm” này là hóa chất và tinh dầu tạo hương không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP.
Riêng kháng sinh chloramphenicol nếu dùng không đúng thì không chỉ dễ dẫn tới kháng thuốc mà còn rất độc cho gan.
Thông tin cà phê rởm xuất hiện nhan nhản trên thị trường không khỏi khiến hàng chục triệu người tiêu dùng trong nước bất bình. Lâu nay, Việt Nam vốn là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, chỉ sau Brazil. Mặt hàng cà phê hàng năm đều mang lại giá trị xuất khẩu lớn, từ 2-3 tỷ USD cho ngành nông nghiệp. Vậy mà người tiêu dùng trong nước phải bỏ tiền uống cà phê rởm.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu cà phê trong tháng 6 năm 2016 ước đạt 158.000 tấn với giá trị đạt 289 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2016 đạt 985.000 tấn và 1,71 tỷ USD, tăng 39,8% về khối lượng và tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thật đau lòng khi người tiêu dùng các nước thì được thưởng thức cà phê “xịn” từ Việt Nam, còn người Việt Nam đang phải uống cà phê rởm, độn bột ngô, đậu tương và hóa chất.
Theo Zing