Trước những lo ngại hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đầu tháng này Ủy ban châu Âu (EC) đã có một động thái rất dứt khoát để bày tỏ sự phản đối của mình với các nhà sản xuất Trung Quốc khi tổ chức họp báo công bố kế hoạch chống lại hàng hóa kém chất lượng từ nước này.
Theo tờ Germany in Bavaria trong cuộc hội thảo lần 2 diễn ra tại Brussels (Bỉ), thành viên Ủy ban công nghiệp EU ông Taya Ni đã dành nhiều thời gian để chỉ ra rằng nhiều loại đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc không đảm bảo an toàn, trong đó có các loại đồ chơi bao gồm nhiều bộ phận nhỏ, phao tắm cho trẻ em, giày trẻ em…Các sản phẩm này bị xem là “hàng hóa nguy hiểm”.
Để thêm phần thuyết phục, ông Taya Ni đã đem đến cuộc họp những đôi giày xuất xứ Trung Quốc bị tịch thu tại Italia. “Đây là những đôi giày được sản xuất tại Trung Quốc bị thu giữ ở Italia. Những đôi màu vàng có hàm lượng crôm vượt tiêu chuẩn tới 10 lần và cũng vượt ngưỡng 3mg, vốn bị xem là độc hại và có khả năng gây ung thư”.
Vị quan chức này cũng bày tỏ lo ngại rằng đồ chơi Trung Quốc đang xuất hiện ngày càng nhiều tại châu Âu. Theo khảo sát của Ủy ban châu Âu (EC), có tới 58% sản phẩm từ Trung Quốc là hàng nhái và nguy hiểm đến sức khỏe, bị phát hiện tại hầu như mọi ngành hàng từ đồ chơi tới công cụ và các sản phẩm dệt may.
Và để cảnh báo rộng rãi tới người dân, EU đã chi 70.000 euro để làm một đoạn phim hướng dẫn người dân cảnh giác khi mua sắm để tránh gặp phải hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng. Ngoài ra ông Taya Ni cho biết trong giai đoạn 2013 – 2015 EU sẽ tổ chức một chiến dịch để kiểm soát chất lượng hàng xuất nhập khẩu trong đó các sản phẩm đồ chơi.
Đây không phải lần đầu tiên EU công khai bày tỏ sự e ngại đối với các sản phẩm từ Trung Quốc. Năm ngoái cơ quan này cùng với chính phủ Mỹ đã hầu như “cấm cửa” đối với thực phẩm gắn mác “hữu cơ” của Trung Quốc. Quyết định trên được đưa ra khi cơ quan chức năng phát hiện hệ thống tiêu chuẩn hữu cơ của Trung Quốc rất lỏng lẻo.
Sản phẩm dâu Goji là một ví dụ. Đây là một loại dâu màu đỏ, trái nhỏ và vẫn được người Trung Quốc làm thuốc để tăng cường chức năng gan, thận, hoặc làm thuốc bổ mắt. Sản phẩm này từng được xuất đi tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ và Canada.
Thế nhưng từ năm 2011 cả Mỹ và EU đã thắt chặt việc nhập khẩu sản phẩm này do bị phát hiện có hàm lượng thuốc trừ sâu cao trong khi vẫn được gắn nhãn “hữu cơ”, vốn chỉ dành cho sản phẩm không sử dụng hóa chất.
Ngoài dâu Goji chính quyền Mỹ cũng cấm nhập nhiều loại sản phẩm gắn nhãn “hữu cơ” từ Trung Quốc khác như nhân sâm, nấm linh chi, gừng tươi, hạt kê…
Không chỉ người tiêu dùng ở các nước phương Tây tỏ ra e ngại với hàng hóa Trung Quốc mà ngay ở các quốc gia châu Á, thậm chí là châu Phi, tâm lý tẩy chay sản phẩm của Trung Quốc cũng lan nhanh.
Ngay từ năm 2008, có đến 75,9% người Nhật được hãng tin Kyodo khảo sát khẳng định “từ nay sẽ không sử dụng các sản phẩm của Trung Quốc” sau vụ bê bối ngộ độc thực phẩm liên quan đến bánh bao tại nước này khiến 10 người phải nhập viện. Khảo sát cũng cho thấy 69% người được hỏi trả lời “hết sức” lo lắng về thực phẩm từ Trung Quốc và 25,2% cho biết họ lo ngại ở mức “nhất định”.
Tại Philippines, sau những tranh cãi gần đây giữa 2 nước liên quan đến chủ quyền trên biển, phong trào tẩy chay hàng hóa Trung Quốc cũng lan nhanh. Mới hôm 12/8 vừa qua, ông Joey Salceda, tỉnh trưởng tỉnh Albay đã một lần nữa kêu gọi người dân không mua hàng hóa của Trung Quốc.
“Tôi đã bắt đầu tẩy chay hàng hóa Trung Quốc từ ngày 12/6/2011 và từ đó đến nay chưa hề dừng lại”, người đứng đầu tỉnh Albay khẳng định. Dù vậy vị quan chức cũng nói rõ rằng ông không kêu gọi chống lại người Trung Quốc mà chỉ tẩy chay hàng hóa của nước này. “Thứ chúng tôi đang tẩy chay là các sản phẩm của Trung Quốc hoặc có hơn 51% giá thành được làm ra tại nước này”.
Tại Zimbabwe, Bộ trưởng Lao động của nước này, bà Paurina Mupariwa cũng lên tiếng cảnh báo rằng sẽ vận động người dân tẩy chay hàng hóa Trung Quốc để phản đối việc các công ty của nước này đến khai thác tài nguyên và ngược đãi lao động địa phương.
“Thay vì hỗ trợ cho sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế, người Trung Quốc chẳng đem đến đây điều gì mới ngoại trừ bóc lột các địa phương và phủ bóng đen lên đó”, bà Paurina Mupariwa nói. Đồng thời bà khẳng định một cuộc điều tra cấp chính phủ đã được tiến hành để làm rõ những vụ lạm dụng, ngược đãi người lao động của các công ty Trung Quốc.
Theo Dân Trí