Đó là một trong những nội dung thuộc văn bản vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành liên quan việc đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Như vậy, bốn năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết, chẳng hạn năm 2013 không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000-2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và năm nay là không cho chi ra tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống.
Ngân hàng Nhà nước cấm chi tiền mới mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống. |
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng, đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và các năm tiếp theo.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh và phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại các khu di tích đền, chùa, lễ hội hoặc kinh doanh trên mạng, gây ảnh hưởng đến tình hình lưu thông tiền tệ, đến văn hóa và hình ảnh của đồng tiền Việt Nam.
Ngoài ra, văn bản cũng nghiêm cấm cán bộ Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch (kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó…). Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra việc thực hiện trên địa bàn và xử lý kỷ luật những cán bộ vi phạm.
Liên quan đến tình hình hoạt động của hệ thống ATM, nhà quản lý yêu cầu đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt của các đơn vị, tổ chức cá nhân. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt phải hoãn chi, đặc biệt là chi tiền mặt cho các đối tượng trả trợ cấp xã hội, trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp. Tăng cường cảnh giác đối với các phương thức, thủ đoạn phạm tội và có biện pháp phòng ngừa phù hợp để phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh an toàn ATM.
Tại các tỉnh, thành phố lớn có khu công nghiệp tập trung đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, các ngân hàng thương mại ngoài việc chuẩn bị tốt hệ thống ATM, cần tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt nhưng phải đảm bảo an toàn để tránh dẫn đến tình trạng quá tải tại các điểm ATM. Tăng cường cảnh giác đối với các phương thức, thủ đoạn phạm tội và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro trong hoạt động ATM nhằm đảm bảo an toàn cho các ngân hàng thương mại và khách hàng.
Theo VnExpress