Bánh chưng 600.000 đồng một cặp vẫn cháy hàng

Thứ tư, 04/01/2017, 15:54
Những chiếc bánh chưng nếp nương xuất xứ từ Điện Biên với giá 600.000 một hộp hai chiếc đang gây sốt thị trường Hà Nội những ngày giáp Tết Đinh Dậu 2017.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của gia đình Việt Nam. Bên cạnh bánh chưng xanh truyền thống, người dân đang rục rịch ‘săn’ bánh chưng nếp nương để ăn Tết và làm quà biếu có giá 600.000 đồng một cặp.

Cử nhân Ngoại giao đam mê bán bánh chưng

Nguyễn Thu Hoài, người làm bánh chưng Nương Bắc, cho hay 4 năm trước, sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, Hoài về quê lấy chồng và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh mỹ phẩm, thời trang. Trong một lần đến nhà bạn chơi, Hoài được thưởng thức bánh chưng nếp nương Điện Biên. Thấy ngon và lạ miệng, thơm dẻo hơn hẳn những chiếc bánh chưng truyền thống nên cô mang về Hà Nội giới thiệu cho bạn bè, người quen.

Sau lần đầu tiên, mọi người ăn và phản hồi tốt, không chần chừ, Hoài bắt tay vào sự nghiệp kinh doanh sản phẩm này.

Để có được những chiếc bánh thơm ngon, Hoài kể thời gian đầu cô chỉ nhập được 40-50 chiếc từ những nhà làm truyền thống rồi gửi xe từ Điện Biên về Hà Nội. Cước phí vận chuyển cao, Hoài gần như lỗ sau Tết đầu tiên bán bánh.

Đến năm thứ hai, Hoài tiếp tục lên đường về Điện Biên tìm mối nhập hàng. Sau đó, lại một mình thuê xe khách vận chuyển về Hà Nội, đi giới thiệu từng nhà một. Bánh chưng nếp nương của Hoài thơm dẻo dần được nhiều người dân thủ đô tìm mua.

Hoài tiết lộ trung bình mỗi tháng, cô bán được 500-700 chiếc bánh. Với giá 50-60.000 đồng một chiếc, Hoài thu về 25-35 triệu đồng. Chỉ riêng dịp Tết 2016, cô cử nhân Ngoại giao đã bán ra 7.000 chiếc bánh chưng Nương Bắc với doanh thu gần 400 triệu đồng. Hiện, Hoài đã có 10 đại lý phân phối trên toàn quốc.

Bánh chưng nếp nương của Hoài được nhiều người tìm mua. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhớ lại thời gian đầu đi bán bánh, Hoài kể gặp nhiều khó khăn do khâu vận chuyển từ Điện Biên về Hà Nội mất 12h khiến thời hạn bảo quản giảm nhiều. Bên cạnh đó, giá một chiếc bánh chưng nếp nương 50.000-60.000 đồng khó cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống.

“Khó nhất chính là việc thuyết phục người dân truyền lại bí quyết làm bánh, từ cách chọn gạo cho đến lựa gia vị, thịt lợn ngon, lá dong xanh…”, Hoài tâm sự.

Tuy nhiên, để giữ được sản phẩm đặc sản vùng miền Tây Bắc, Hoài cho biết cô phải thuê những người có tay nghề, gia đình truyền thống làm bánh rồi chở về Hà Nội. Chi phí hơi đắt đỏ nhưng đảm bảo được bánh chất lượng tốt, ngon và dẻo.

600.000 đồng một cặp bánh gây sốt thị trường Hà Nội

Được đà thẳng tiến, không chỉ dừng lại bánh chưng nếp nương, năm nay, Hoài còn “thổi hồn” cho sản phẩm của mình bằng cách đóng hộp.

Về ý tưởng lần đầu tiên cho ra đời bộ sản phẩm quà tặng Tết là bánh chưng cao cấp, Hoài chia sẻ tục lệ truyền thống bao đời nay của người dân Việt trong ngày đầu xuân năm có cặp bánh chưng xanh đi chúc Tết, cúng Tổ tiên nhưng ngày nay, bánh chưng dần được thay thế bằng những chai rượu hay hộp bánh ngoại.

“Tôi luôn tự hỏi tại sao người Việt lại không dùng quà Việt để tặng nhau trong ngay Tết cổ truyền. Tại sao bánh chưng, một đặc sản vốn được coi là quốc hồn, quốc túy của dân tộc lại có giá trị thấp hơn những hộp bánh ngoại? Tôi bắt đầu đi tìm lời giải và quyết định sẽ đưa bánh chưng làm quà tặng giống như cách thị trường đang làm với bánh trung thu”, Hoài cho hay.

Để thực hiện ý định này, Hoài đã nghiên cứu kỹ về thị trường, marketing, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Cô và ekip đã làm việc nhiều ngày đêm để lên ý tưởng, thiết kế sản phẩm mang phong cách riêng sao cho vừa giữ được yếu tố truyền thống nhưng vẫn hiện đại, sang trọng.

Theo Hoài, hộp bánh được kết hợp bởi ba màu xanh - đỏ - vàng rất đặc trưng của ngày Tết. Nguyên liệu sử dụng trong bánh như gạo, đỗ đều được chọn lọc kỹ, thịt lợn bản sạch chọn lấy phần ba chỉ nạc mỡ vừa đủ… Mỗi chiếc bánh trải qua khâu chế biến cầu kỳ như nhuộm màu xanh với nước cốt lá giềng, luộc kỹ trong 10-12h, bánh được bọc lại 1 lớp lá xanh và hút chân không đảm bảo trước khi chuyển về Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên, Hoài cho biết dù chưa đến Tết Nguyên đán nhưng mỗi ngày chị đã bán ra 50-60 chiếc với giá gần 600.000 đồng một hộp hai chiếc. Có nhiều đơn đặt hàng nhưng chị chỉ nhận giới hạn, số lượng 1.000 hộp để đảm bảo chất lượng là tốt nhất.

“Tôi hy vọng sẽ tạo ra một làn gió mới cho thị trường quà Tết Việt cũng như góp phần thay đổi quan niệm của người tiêu dùng về giá trị của chiếc bánh chưng, một sản phẩm truyền thống của người Việt lâu nay thường được để ngoài giỏ quà Tết”, Hoài nói.

Bà Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) đặt Hoài làm 3 chiếc bánh chưng Nương Bắc loại bình thường, hẹn lấy vào ngày 28 Tết tâm sự, Tết năm trước bà cũng bày bánh chưng Nương Bắc hộp vuông, xanh để thờ cúng.

“Bánh chưng vốn không phải sở trường của tôi nhưng sau lần ăn thử bánh chưng Nương Bắc thì tôi lại thấy thích. Ngoài màu sắc hấp dẫn thì mùi vị rất thơm, dễ ăn, không bị ngấy”, bà Vân nói.

Chị Hải Yến, người dân ở quận Phương Mai, Hà Nội, cho hay được người quen giới thiệu, chị đặt hàng mua 4 hộp bánh Nương Bắc từ tuần trước để hai vợ chồng đi quà sếp dịp Tết Dương lịch, vừa sang trọng, bánh lại vừa thơm ngon, có ý nghĩa.

Tuy nhiên, theo chị Yến: “600.000 đồng một hộp hai chiếc, gia đình tôi chỉ mua đi làm quà tặng quà biếu đồng nghiệp, ông bà hai bên nội ngoại chứ tiền đâu mà cho con ăn bánh đắt như vậy”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn