Mỗi dịp cuối năm, Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ, mới của người dân lại tăng mạnh. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước đã chủ trương không in tiền mệnh giá nhỏ mới vào lưu thông dịp Tết từ năm 2013 nên tiền lẻ mới trên thị trường ngày càng khan hiếm.
Tại các ngân hàng thương mại, khan hiếm tiền lẻ cũng xảy ra. Trong khi đó, nếu đổi bên ngoài chợ đen, người dân có thể phải chịu mức chênh lệch lên tới 80% đến 100%.
Theo ghi nhận của Zing.vn, không nhiều ngân hàng khi được đề nghị đổi tiền lẻ mới với số lượng lớn có thể đáp ứng được nhu cầu của khách. Nhân viên một số phòng giao dịch ở Hà Nội khi được hỏi đều cho câu trả lời "không đủ tiền lẻ để đổi".
Chị Huyền Nga, nhân viên một chi nhánh ngân hàng thương mại tại quận Tây Hồ cho biết thời gian gần đây có rất nhiều người dân tới ngân hàng chị đề nghị đổi tiền lẻ và tiền mới. "Chủ yếu người dân muốn đổi tiền mới với mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, tuy nhiên chi nhánh mình cũng phải từ chối vì không đáp ứng được", chịa Nga cho biết.
Theo chị Nga, các năm trước, ngân hàng chị vẫn đáp ứng được nhu cầu người dân vào đổi tiền. Tuy nhiên, năm nay, tiền lẻ khan hiếm ở cả bên trên, chi nhánh cũng khó có thể xoay xở được. Riêng với tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống thì hoàn toàn ngân hàng không có để cung ứng.
Chị Ngọc Ánh, nhân viên một phòng giao dịch của ngân hàng khác, cho biết hiện tại ngân hàng của chị rất khan hiếm tiền lẻ. Vài ngày gần đây, nhiều người dân tới phòng giao dịch với nhu cầu đổi tiền mệnh giá 2.000 đồng và 5.000 đồng với số lượng không quá lớn. Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải từ chối ngay vì không có tiền để đổi.
“Thậm chí, có khách hàng vào muốn đổi tiền mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng mới, mình cũng phải từ chối. Mình làm ngân hàng cũng không có tiền mà đổi, nên nhiều khách vào hỏi rồi lại quay ra vì không có”, chị Ánh cho biết.
Người dân phải chịu phí 80-100% khi đổi tiền với mệnh giá nhỏ ở bên ngoài chợ đen. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà. |
Trong khi lượng cung tiền lẻ tại các ngân hàng khan hiếm, hoạt động bên ngoài chợ đen lại diễn ra nhộn nhịp.
Chủ một đầu mối đổi tiền lẻ tại khu vực Cầu Giấy, Hà Nội cho biết anh có thể cung cấp tiền mới 100%, nguyên seri mệnh giá từ 200 đồng trở lên.
Tuy nhiên, mức phí đổi đối với mệnh giá từ 50.000 đồng trở lên là 5,3 triệu "ăn" 5 triệu đồng. Với mệnh giá từ 10.000 đến 50.000 đồng, phí chênh lệch chiếm 10-18%, số lượng nhiều thì phí đổi sẽ rẻ hơn. Đầu mối của anh chỉ đổi tối thiểu là 1 thếp (mỗi thếp là 100 tờ).
Đối với tiền mệnh giá nhỏ hơn, chủ đầu mối này cho biết mệnh giá càng nhỏ chênh lệch sẽ càng lớn. Với mệnh giá 5.000 đồng, chênh lệch là 15%, 1.000-2.000 đồng chịu phí 30-40%. Riêng với tiền mệnh giá 200-500 đồng, phí sẽ là 100%, nếu đổi số lượng lớn có thể giảm còn 70%. Riêng tiền 100 đồng, anh không có để cung cấp do đã ngừng in từ lâu.
Một đầu mối khác cho hay anh chỉ cung cấp tiền các mệnh giá từ 200 đến 10.000 đồng. Mức phí chênh lệch cũng tuỳ theo mệnh giá. Tiền trên 5.000 đồng áp dụng phí 10 "ăn" 8, mệnh giá 1.000-2.000 đồng phí đổi là 10 "ăn" 7, còn đối với mệnh giá nhỏ hơn như 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng phí đổi là 10 "ăn" 5.
Theo anh, càng gần Tết, nhu cầu đổi tiền lẻ, mới càng nhiều. Chênh lệch giá đổi các cao. Với mức phí đổi 10 "ăn" 8 với mệnh giá 5.000 đồng, hay 10 ăn 5 với mệnh giá 200-500 đồng, chênh lệch phải chịu dao động 20-100% khi đổi tại các đầu mối bên ngoài chợ đen.
Các đầu mối đổi tiền lẻ, mới này cũng cho biết khách hàng tìm đến chỗ họ đều là những người có nhu cầu đổi không quá lớn. Có người chỉ đổi vài trăm nghìn đồng, nhiều khoảng 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết vẫn như mọi năm, năm nay, tiền mới dưới 5.000 đồng nguyên seri sẽ không được đưa ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến, trong dịp Tết 2017, cơ quan này sẽ tiết giảm được 400 tỷ chi phí phát hành tiền.
Từ năm 2013 đến nay, với chủ trương không đưa tiền mới vào lưu thông dịp Tết, tổng chi phí phát hành tiết giảm được khoảng 1.900 tỷ đồng.
Theo Zing