Cận Tết, giá lợn lao dốc vì đâu?

Thứ hai, 09/01/2017, 09:58
Sau một giai đoạn phát triển nóng, giá lợn hơi đang “rơi thẳng đứng” tụt tới hơn 20 nghìn đồng/kg khiến người chăn nuôi điêu đứng.

Giá lợn hơi xuống thấp, nhiều hộ, trang trại nuôi lợn ngồi trên đống lửa.

“Ngấm đòn” tăng nóng

Vài tuần nay, nhiều chủ gia trại, trang trại chăn nuôi ở xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đứng ngồi không yên vì đàn lợn hàng nghìn con trên 1 tạ, nhưng “chả ai ngó ngàng hỏi mua”.

Ông Trần Văn Tường, thôn Cập, xã Hùng Dũng chủ trang trại hơn 100 lợn thịt và vài chục heo nái gần xuất chuồng lắc đầu ngao ngán: “Loại lợn “khủng” trên 1 tạ chỉ nuôi tốn cám, càng nuôi càng lỗ. Thương lái đến mua họ lắc đầu, chỉ trả 28 nghìn đồng/kg”.

Ông Tường cho biết, hiện lợn tốt mới có giá 33 nghìn đồng/kg, còn lợn cỏ giá chỉ 28-29 nghìn đồng/kg. So với cách đây nửa năm, đã rớt khoảng 20.000 đồng/kg. Với người nuôi chủ động được con giống, sẽ lỗ khoảng 500 nghìn đồng/con. Còn phải mua lợn giống, nếu lúc cao điểm khoảng 1,7-1,8 triệu đồng/con, chắc chắn lỗ từ 1,5-1,8 triệu đồng/con.

“Loại lợn “khủng” trên 1 tạ chỉ nuôi tốn cám, càng nuôi càng lỗ. Thương lái đến mua họ lắc đầu, chỉ trả 28 nghìn đồng/kg”.

Ông Trần Văn Tường

Ở xã Hùng Dũng, phần lớn chủ trại đều phải vay ngân hàng để nuôi lợn. “Mỗi ngày, 100 con lợn thịt, cùng vài chục con lợn nái cũng ngốn khoảng 4 triệu đồng tiền cám. Dân nuôi lợn như ngồi trên lửa. Nhà nào cũng thua lỗ, ít vài chục triệu đồng, còn nhiều nhà lỗ tới hàng trăm triệu đồng”- ông Tường nói.

Là chủ trang trại nuôi khá ổn định, bài bản với trên 3.000 lợn thịt, hơn 400 con lợn nái nhiều năm nay, nhưng ông Nguyễn Trọng Long, xã Tân Ước (Thanh Oai, Hà Nội) cũng phải chạy đôn đáo vì giá lợn rớt sâu.

Theo ông, hồi tháng 4-5/2016, giá lợn như trên mây, tới 50-55 nghìn đồng/kg, người nuôi cứ ngồi “đếm bạc”. “Thấy lãi cao, dân vào đàn ào ào, mặc cho nhiều cơ quan cảnh báo. Thời điểm đó, có lúc giá lợn giống cũng lên tới 1,8 triệu/con (loại 7-8 kg/con), còn bây giờ, bán chỉ 800-900 cũng không thấy ai hỏi mua”- ông Long nói.

Theo ông Long, thị trường lợn Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Khi họ đóng biên, đàn heo trong nước dội chợ và giá rớt thảm. Với giá thành lợn khoảng 40 nghìn đồng/kg, hộ nào nuôi khéo lắm cũng lỗ trên 1 triệu đồng/con.

Trong khi đó, tại Đồng Nai - “thủ phủ” nuôi lợn của cả nước, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng phải thốt lên: “Với giá thành nuôi heo ở Đồng Nai cỡ 38-39 nghìn đồng/kg, và hiện lượng tồn heo đến lượt xuất chuồng còn rất lớn. Cứ đà này người nuôi lỗ nặng, sao chịu nổi”.

Theo ông Công, giá heo đợt này dường như đi ngược quy luật. Thông thường, dịp Tết giá cao ngất, nếu không cũng ở mức chấp nhận được. Ông Công cho rằng, chăn nuôi lợn đang tăng rất nóng. Chưa đầy hai năm trước, thị trường Đồng Nai chỉ khoảng hơn 1,3 triệu con heo, nhưng nay đã lên khoảng 1,8-1,9 triệu con. Trong khi nhu cầu không tăng, nên dẫn đến dư thừa.

Tìm đườngxuất chính ngạch

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, do giá heo quá thấp, nhiều người đã gọi điện đến hiệp hội để “cầu cứu”. Tuy nhiên, theo ông Công, cũng như cao su, dưa hấu, hay nhiều nông sản khác, nông dân nuôi heo vẫn chạy theo phong trào… nên rủi ro cao. Ông cho rằng, cần có một bản hợp đồng ngắn hạn với các thương lái để giảm rủi ro cho người nuôi heo trong nước.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá lợn lao dốc đã được cơ quan này cảnh báo từ nhiều tháng trước. Theo ông Vân, năm 2016, tổng đàn lợn cả nước đạt trên 30 triệu con, tăng trên 4 triệu con so với năm trước. “Do người dân vào đàn ồ ạt khi thấy xuất lợn tiểu ngạch đi Trung Quốc “ngon ăn”, giá ngất ngưởng từ cuối năm 2015, đặc biệt hồi tháng 4-5/2016”- ông Vân nói.

Đàn heo tăng “nóng” khiến Bộ NN&PTNT mới đây phải có văn bản cảnh báo các địa phương “kiềm chế” và phát triển đàn theo tín hiệu thị trường.

Một con số được các chuyên gia chăn nuôi ước tính, năm 2016, Việt Nam xuất khoảng 660 nghìn tấn lợn hơi sang Trung Quốc, giá trị trên 1 tỷ USD. Tuy là thị trường lớn, nhưng việc buôn bán trên là không qua chính ngạch, thỏa thuận của hai nước, nên nhiều rủi ro.

Cũng theo ông Vân, năm 2017, cơ quan chức năng sẽ cố gắng đàm phán thị trường mới, đặc biệt là Trung Quốc để có xuất khẩu chính ngạch lợn hơi. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi ký kết, phát triển theo chuỗi, đảm bảo sản xuất có kế hoạch, bền vững.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn