Chuyện giải cứu thịt heo làm nóng họp báo Chính phủ

Thứ sáu, 05/05/2017, 09:20
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng chuyện giải cứu thịt heo cần được quan tâm, bàn luận kỹ để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, giá thịt heo hơi đang xuống rất thấp, có lúc chỉ bằng 50% mức giá hoàn vốn (giá hòan vốn là 34.000-35.000 đồng/kg hơi). Trong khi đó tại chợ, siêu thị giá thịt vẫn rất cao, thường là 80.000-90.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán 100.000 đồng/kg.

Yêu cầu làm rõ việc thịt heo rớt giá

Ông cho rằng đó là nghịch lý. "Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để xảy ra tình trạng tương tự, yêu cầu các bộ ngành làm rõ vấn đề này", ông Dũng bày tỏ.

Theo Bộ trưởng, giá heo hơi giảm mạnh làm ảnh hưởng đến trực tiếp đến người chăn nuôi. Vấn đề kiểm soát cơ cở chế biến tăng thu mua, kiểm soát chặt chẽ thị trường phân phối được đặt ra. Giải pháp về lâu dài là cần hạ giá sản xuất, tăng chế biến sâu, điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành chăn nuôi phù hợp nhu cầu thị trường.

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi, kể cả khuyến khích lực lượng vũ trang mua thịt heo của dân.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Công Tuấn cho biết giá heo hơn hiện đã tăng hơn 5.000 đồng/kg so với thời điểm thấp nhất. Giá thịt đến với người tiêu dùng cũng đã giảm. Các siêu thị như BigC, Sài Gòn Co.op giảm 10-20% so với 10 ngày trước.

Giá heo đang xuống thấp chưa từng có. Ảnh: Quỳnh Trang.

Dịp nghỉ lễ vừa qua, trên cả nước nhiều nơi có chuyện "đụng" heo. Nhờ đó, giá heo hơi về mức tương đương giá thành sản xuất.

Thứ trưởng không cung cấp thông tin con số tồn đọng là bao nhiêu, xin phép cung cấp riêng con số chi tiết. Tuy nhiên ông cho biết đang còn khoảng 3.000-400.000 tấn heo đủ tiêu chuẩn xuất chuồng.

"Chúng tôi cố gắng giải quyết để đưa cân bằng cung cầu trong 2-3 tháng nữa", ông Tuấn nói.

Về các giải pháp sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra 3 giải pháp lâu dài, là giải quyết tốt quan hệ cung cầu, không để dư; rà soát đảm bảo tổng đàn và quy mô đàn hợp lý. Trước mắt là kiểm soát heo nái, nâng an toàn thực phẩm; tổ chức liên kết chuỗi chăn nuôi.

Bộ cũng sẽ đề xuất Chính phủ thay đổi một số cơ chế, chính sách, nhưng quan điểm chung không hỗ trợ trực tiếp, mà qua liên kết chuỗi và theo tín hiệu thị trường.

Vấn đề mở thị trường xuất khẩu heo chính ngạch sang Trung Quốc cũng sẽ được giải quyết. Những năm trước, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tiểu ngạch rất lớn với heo Việt Nam. Năm nay, lượng nhập chỉ còn dưới 10% so với năm ngoái, ảnh hưởng đến tiêu thụ.

Bộ Công Thương: Heo nhập khẩu không ảnh hưởng hàng trong nước

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã cung cấp thêm thông tin về vấn đề liệu có việc nhập khẩu thịt, các mặt hàng liên quan đến thịt heo làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Thứ trưởng Hải cho biết năm 2016, Việt Nam nhập 39,4 nghìn tấn thịt heo và các sản phảm liên quan đến thịt heo nhập từ Australia, EU, Mỹ, Canada. Giá trị nhập khẩu đạt 44 triệu USD, chỉ chiếm 0,1% sản lượng tiêu thụ trong nước.

Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định số lượng nhập khẩu không ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Giá thịt nhập khẩu cũng đắt hơn nhiều so với thị trường trong nước. Giá bán ở Vinmart là 120.000-130.000 đồng/kg.

Năm 2016, Việt Nam chỉ nhập 20 triệu USD với thịt heo tạm nhập tái xuất. Ban chỉ đạo 389 rất quan tâm và giám sát ngăn việc thông qua tạm nhập tái xuất để đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Bộ Công Thương cũng sẵn sàng tạm dừng việc tạm nhập tái xuất với mặt hàng liên quan đến thịt heo trước mắt, nếu Chính phủ có chủ trương. Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng giải thích lý do về việc thịt heo Việt Nam không xuất đi được các nước trên thế giới, do chất lượng.

"Tại châu Á, chỉ Hong Kong và Malaysia đã ký hiệp định thú y với Việt Nam. Chỉ xuất heo sữa 20-30 kg/con, số lượng ít. Xuất khẩu chủ yếu là tiểu ngạch. Năm 2016 chúng ta đã xuất 200.000 tấn thịt heo. Đến năm 2017, họ kiểm soát chặt do chúng ta chưa công bố hết một số dịch như tai xanh, nên số lượng giảm nhiều", ông Hải cho biết.

Sản lượng thịt tăng vọt trong 15 năm qua. Đồ họa: Hiếu Công.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành, đẩy nhanh ký hiệp đình thú y để xuất khẩu chính ngạch, thay vì tiểu ngạch.

311 tỷ đồng nợ xấu của người nuôi heo

Địa diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nhận được câu hỏi về các chính sách tín dụng hỗ trợ người chăn nuôi.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết dư nợ hiện tại cho toàn ngành chăn nuôi là gần 30.000 tỷ đồng, trong đó 57% là dài hạn. Số lượng nông dân và doanh nghiệp là hơn 506.000 khách hàng. Chủ yếu là cá nhân, gia đình chiếm 90% dư nợ, chỉ có 10% còn lại là doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình liên kết.

Đại diện NHNN nhận định dư nợ như vậy là rất lớn trong tỷ trọng các ngành. Giá bán giảm thấp, nhiều người nuôi heo không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu xuất hiện, chiếm 1,12% với 311 tỷ đồng (chủ yếu là hộ cá nhân).

Ngay từ khi có chuyện các doanh nghiệp, hộ nông dân nuôi heokhông đảm bảo thời hạn trả nợ, NHNN đã cử đoàn đi khảo sát các tỉnh chăn nuôi lớn, xử lý ngay cho các gia đình, doanh nghiệp giãn nợ cho bà con.

NHNN cũng có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm giãn, không chuyển nhóm nợ, giữ thời gian cho tiêu thụ sản phẩm đối với nông dân và doanh nghiệp.

Vể hỗ trợ lãi suất, NHNN cho biết căn cứ vào năng lực của từng ngân hàng thương mại, từng trường hợp cụ thể sẽ miễn, giảm lãi vay, kể cả vay đến hạn.

Với người có nhu cầu chăn nuôi tiếp, yêu cầu ngân hàng thương mại hỗ trợ cho họ tiếp tục vay vốn, với điều kiện chăn nuôi có lãi.

Theo Zing

Các tin cũ hơn