Giải cứu lợn chạy “nước rút”
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, hiện đơn vị này đã mở 12 điểm bán thịt lợn giá rẻ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, TP.Biên Hòa có 6 điểm, huyện Nhơn Trạch 3 điểm, Trảng Bom 2 điểm, thị xã Long Khánh 1 điểm.
Trại gà của anh Lê Xuân Hà (Xuân Lộc, Đồng Nai). |
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai khẳng định, trong 2 tuần tới sẽ giải quyết xong lượng lợn đang tồn đọng gần 10.000 con trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. “Chúng tôi đã bàn với chính quyền huyện yêu cầu các khu công nghiệp mua cho mỗi công nhân 2kg thịt lợn là xem như giải quyết xong lượng lợn tồn trên địa bàn” - ông Đoán cho biết.
Cũng theo ông Đoán, việc mở rộng điểm bán thịt lợn giá rẻ ở Đồng Nai sẽ tiếp tục nếu các địa phương có nhu cầu.
Trong khi đó, Phòng NNPTNT huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết, để góp phần giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi lợn trong giai đoạn khó khăn này, huyện đã thành lập được 3 cửa hàng bán thịt lợn sạch tại Khu công nghiệp Xuân Lộc, tại Trung tâm thị trấn Gia-ray và chợ Gia-ray (thuộc xã Xuân Trường). Theo đó, nguồn lợn thịt được huyện ưu tiên lấy từ các tổ hợp tác chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn, với số lượng khoảng 22.000 con.
Tại Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Mấy - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện mỗi ngày trên địa bàn tỉnh tiêu thụ của người chăn nuôi được hơn 2.000 con lợn thịt với sản lượng đạt trên 200 tấn, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, với số lượng lợn được tiêu thụ đều đặn mỗi ngày như hiện nay, so với đàn lợn tới lứa xuất chuồng (tương đương 2.000 con/ngày, chiếm 10% so với tổng đàn), các doanh nghiệp đã cơ bản giải quyết được tình trạng ứ động đàn lợn quá lứa tại các trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Nỗi lo đàn gà
Vận chuyển lợn về lò mổ tại Đồng Nai, trước khi đem ra bán tại cửa hàng giá rẻ. |
Trong khi đàn lợn vẫn đang phải hô hào giải cứu vì khủng hoảng thừa thì những người nuôi gà cũng lo sốt vó vì giá giảm từng ngày. Theo các hộ nuôi gà tại khu vực Đông Nam Bộ, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá gà các loại đều lao dốc không phanh. Có nhiều thời điểm, giá gà công nghiệp xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg.
Hiện nay, giá gà tam hoàng lông màu được bán tại các trang trại khoảng 32.000 đồng/kg, còn gà thả vườn giá 46.000 đồng/kg. Với chi phí công chăm sóc, thức ăn, thuốc, vaccine như hiện nay, mỗi kg gà nông dân nuôi lỗ từ 3.000 - 8.000 đồng/kg tùy loại, đầu ra cũng khó khăn hơn trước.
Ông Nguyễn Đức Thuận - hộ chăn nuôi gà tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, ông đang có hơn 2.000 con gà ta đến thời kỳ xuất chuồng nhưng không tìm ra thương lái hoặc có bán thì với giá quá thấp. Với giá bán 40.000 đồng/kg gà ta, ông Thuận đang chịu lỗ 10.000 – 12.000 đồng/con gà.
Để giải quyết đàn gà đang bị quá lứa này (gần 3kg/con), hàng ngày ông Thuận phải chở đi bán lẻ tại các chợ để mong giảm lỗ. “Để nuôi đàn gà này tôi đã phải vay ngân hàng gần 200 triệu đồng, nhưng giá bán rẻ thế này thì không thể thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng được” - ông Thuận than thở.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Sơn - chủ trang trại gà hơn 30.000 con ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cũng bị lỗ tới hơn 700 triệu đồng vì gà tam hoàng đã đến thời điểm xuất bán nhưng thương lái chỉ mua với giá rất thấp.
Nhận xét về việc khuyến khích người dân tiêu thụ thịt lợn thay các vật nuôi khác làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của các loại gia cầm, ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng có ảnh hưởng nhưng không đáng kể. “Để giải quyết con gà đơn giản hơn con lợn nhiều. Tôi nghĩ, chỉ cần ngưng nguồn trứng không cho ấp trong vòng 2 tuần là có thể giải quyết được tình trạng khó khăn của con gà. Còn việc giải quyết số lượng thịt và trứng gà tồn trong dân, cũng đơn giản hơn. Theo đó thịt gà đem đông lạnh chờ xuất, trứng thì cung ứng cho các công ty làm thực phẩm, sản xuất bánh kẹo…” – ông Đoán cho hay.
Hiện tỉnh Đồng Nai có tổng đàn gà khoảng gần 18 triệu con, trong đó 80% nuôi theo hình thức trang trại tập trung với chủng loại chủ yếu là gà công nghiệp, gà tam hoàng. Trong khi đó, Bà Rịa – Vũng Tàu còn tồn đọng gần 3,8 triệu con gia cầm.
Theo nhận định của các Sở NNPTNT ở miền Đông Nam Bộ, một trong những nguyên nhân chính làm cho giá gà giảm sâu trong thời gian qua là do cung vượt cầu, lượng thịt nhập khẩu tăng cao, thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát tại một số địa phương trong nước và việc tập trung “giải cứu” lợn khiến người dân ăn thịt lợn nhiều hơn thịt gà.
Theo Dân Việt