Bước vào các cửa hàng điện thoại di động ở Hà Nội và TP.HCM, những vị trí nổi bật cạnh Samsung, Apple giờ là khu trưng bày của Oppo, Huawei, Vivo... chứ không còn là HTC, LG hay BlackBerry, Asus như vài năm trước.
Trong vòng 1, 2 năm trở lại đây, thị trường điện thoại trong nước đã chứng kiến sự đổ bộ rầm rộ của các thương hiệu Trung Quốc. Một số lúc đầu chỉ có mặt trên thị trường xách tay, giờ đã lên kệ hàng chính hãng và có sự phát triển bùng nổ. Bên cạnh Oppo, Xiaomi, Huawei, Honor, Vivo, còn không ít thương hiệu nhỏ chỉ xuất hiện theo dạng kinh doanh thương mại điện tử, phân phối trên các kênh bán hàng trực tuyến. Số lượng thương hiệu smartphone Trung Quốc tại Việt Nam đã lên tới số hàng chục, áp đảo và tạo ra sức ép khiến những tên tuổi một thời như HTC, LG hay BlackBerry dần phải rút lui khỏi thị trường.
Việt Nam đang được coi là thị trường trọng điểm của các hãng smartphone Trung Quốc trong kế hoạch bành trướng ra quốc tế. Năm ngoái, Việt Nam là một trong ba thị trường được đích thân nhà sáng lập kiêm CEO Xiaomi, Lei Jun, thị sát. Ngay sau đó vào đầu 2018, thương hiệu này đã có cửa hàng uỷ quyền Mi Store đầu tiên tại TP HCM. Người đứng đầu của Xiaomi đánh giá tiềm năng của thị trường Việt Nam được cao như Ấn Độ bởi đà tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng smartphone còn rất lớn vì gần một nửa người dùng vẫn đang dùng điện thoại tính năng cơ bản.
Thực tế, không chỉ áp đảo về số lượng, doanh số bán của các hãng Trung Quốc tại Việt Nam cũng rất đáng gờm. Theo thống kê của GfK năm 2017, Oppo là thương hiệu smartphone lớn thứ hai ở Việt Nam, trên cả Apple và chỉ sau Samsung. Công ty này mới có mặt ở thị trường trong nước từ cuối năm 2012.
Cũng theo thống kê trên, trong tháng 3/2018, 3 trong 5 thương hiệu có doanh số smartphone tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam tới từ Trung Quốc. Xiaomi, Huawei hay Vivo đều đang có chỗ đứng đáng kể, vượt mặt những tên tuổi "gạo cội" như Sony, hay "hất văng" những cái tên phổ biến một thời như Asus hay HTC khỏi danh sách.
Giá rẻ, cấu hình cao, nhiều tính năng là ưu điểm của smartphone Trung Quốc. |
Theo Tony Phùng, một chuyên gia công nghệ tại TP.HCM, điện thoại Trung Quốc phổ biến nhờ các sản phẩm tầm trung giá rẻ. Đây là phân khúc smartphone rất "nóng" ở thị trường Việt Nam. Ông đánh giá, trong tầm giá 5-8 triệu đồng, các sản phẩm Trung Quốc làm tốt, trong khi những tên tuổi như Apple thì hoàn toàn bỏ phân khúc này còn Samsung chưa tập trung phát triển.
Các smartphone Trung Quốc dù giá thấp nhưng lại được làm hình ảnh rất tốt, mỗi hãng tập trung vào một thế mạnh, ví dụ Xiaomi là cấu hình cao; Oppo, Vivo là selfie đẹp; Huawei thiên về chụp ảnh, thiết kế... Tất cả đều nhắm vào giới trẻ - độ tuổi thích chụp hình, ưa mạng xã hội, cần điện thoại cấu hình cao, "mạnh dạn" chi nhưng không có nhiều tiền.
Cũng phải kể đến tâm lý e ngại điện thoại Trung Quốc hay định kiến "điện thoại Tàu" trong giới trẻ giờ không còn nữa. Một phần là những sản phẩm giá rẻ, chất lượng kém cũng đã bị đào thải, còn trên thị trường đều là hàng Trung Quốc có thương hiệu toàn cầu.
Dù vậy, thực tế smartphone thương hiệu Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn chưa giải quyết được sau nhiều năm ở thị trường Việt Nam.
Trước hết, smartphone Trung Quốc chưa có chỗ đứng ở phân khúc cao cấp. Ở tầm giá trên 10 triệu đồng, họ gần như vắng bóng. Một số model cao cấp như Xiaomi Mi Mix hay Mi Mix 2 dù ra mắt với mức giá của hàng cao cấp, sau một thời gian cũng liên tục phải giảm giá hàng triệu đồng để xuống phân khúc thấp hơn. Oppo dù có thị phần đứng thứ hai, nhưng họ đã dừng bán smartphone cao cấp nhiều năm qua và chỉ đưa về thị trường các sản phẩm tầm trung và giá rẻ.
Về giá trị thương hiệu, theo nhiều chuyên gia, dù có tích hợp nhiều công nghệ hay cấu hình cực mạnh, sức ảnh hưởng của smartphone Trung Quốc vẫn chưa thể bằng các thương hiệu tên tuổi như Sony hay HTC, chứ chưa nói tới Apple hay Samsung.
Còn với người dùng ở tầng lớp trung niên, điện thoại Trung Quốc vẫn chưa chiếm được cảm tình. Do bị ảnh hưởng bởi định kiến về smartphone Trung Quốc giá rẻ của những năm 2000, phần lớn những người dùng này đều chưa tin tưởng vào các thương hiệu mới và cho là thiếu an toàn, bảo mật cá nhân kém, dễ dính virus trộm dữ liệu cá nhân...
Theo VNE