Hôm qua, Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam tạm giữ 10 tấn (200 bao) đường kính trắng do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số hàng này được cơ xở kinh doanh Trương Thị Hiền ở Điện Bàn nhập về kinh doanh. Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh này bắt giữ nhiều lô hàng nhập lậu.
Đường nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam. |
Không chỉ tại Quảng Nam, đường nhập lậu len lỏi đến khá nhiều tỉnh thành. Trước đó 2 ngày, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh bắt giữ hai vụ vận chuyển 5,7 tấn đường nhập lậu đều có xuất xứ từ Thái Lan, đã được "hô biến" thành đường cát do công ty trong nước sản xuất. Giữa tháng 6, Công an huyện Châu Thành (Tây Ninh) cũng đã bắt giữ 42 tấn đường nhập lậu từ Campuchia vào tỉnh này.
Qua điều tra, các cá nhân cho biết, giá đường nhập lậu mua ở mức 500.000 đồng một bao (50kg). Sau khi chở vào Việt Nam họ bán lại cho các đầu mối, mỗi bao lãi 80.000 - 100.000 đồng.
Báo cáo gần đây của Hiệp hội mía đường Việt Nam cho thấy, trong khi đường nội địa sản xuất tồn kho rất lớn thì đường ngoại vẫn nhập lậu ồ ạt khiến hàng trong nước tổn thất.
Thống kê cho thấy, giai đoạn 1999 - 2008, lượng đường nhập lậu khoảng 100.000 tấn một năm. Đến 2009 - 2015, lượng đường nhập lậu gấp 3 lần trước đó khoảng 350.000 tấn một năm. Từ niên vụ 2015 - 2016 đường nhập lậu và gian lận thương mại với khối lượng ước tính khoảng 800.000 tấn mỗi năm.
Ngoài những khó khăn về đường nhập lậu, từ 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng, tất cả hạn ngạch và thuế nhập khẩu đường dự kiến bị bãi bỏ hoàn toàn. Mía đường Việt Nam sẽ phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp mía đường nước ngoài.
Để quy hoạch lại ngành mía đường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu, rà soát những nhà máy, vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Đảm bảo sản xuất mía ổn định 300.000ha và không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.
Theo VNE