Trưa 29/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI tăng 4,69%, lên 13,89 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng tăng 1,29%, lên mức 21,22 USD/thùng.
Như vậy, mức chênh lệch giữa giá dầu WTI giao tháng 6 và tháng 7 đã bị thu hẹp xuống còn khoảng 4,51 USD/thùng, trong khi khoảng cách với dầu thô giao tháng 12 là hơn 14 USD.
Tại một khu bể chứa dầu ở Cushing, Oklahoma. Ảnh: New York Times. |
Will Sungchil Yun, chuyên gia phân tích hàng hóa của VI Investment Corp, nhận định với Bloomberg rằng giá dầu hiện tại chỉ có khả năng phục hồi trong ngắn hạn, cho đến khi lượng dầu chứa tại các kho giảm mạnh hoặc tìm ra phương pháp chữa trị Covid-19.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak thì cho rằng thị trường dầu mỏ có thể bắt đầu cân bằng cung/cầu trở lại trong nửa cuối năm nay. Trong tháng 4, nguồn cung của OPEC đã tăng lên hơn 31 triệu thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Theo báo cáo của APIhôm 28/4, các kho dự trữ dầu thô tại Mỹ đã tăng 9,98 triệu thùng vào tuần trước, và cũng là tuần thứ 14 tăng liên tiếp. Các nhà phân tích dự báo hàng tồn kho sắp tới có thể tăng 12 triệu thùng/tuần.
Viện Dầu khí Mỹ thông tin kho chứa dầu Cushing, Oklahoma đã tăng 2,49 triệu thùng dầu chỉ trong 1 tuần. Tập đoàn UBS AG dự báo những kho chứa dầu chính tại Mỹ đạt tới giới hạn lưu trữ cho phép vào tháng 5.
Trước đó, nhóm OPEC+ cam kết cắt giảm sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày. Mỹ, Brazil và Canada cam kết trên giấy tờ cắt 3,7 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/5.
Đến sau tháng 6, mức cắt giảm 10 triệu thùng sẽ giảm xuống còn 7,6 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm, sau đó là 5,6 triệu thùng/ngày từ năm 2021 cho đến tháng 4/2022.
Tuy nhiên, các thương nhân buôn dầu cho rằng các nhà sản xuất dầu mỏ cam kết giảm sản lượng là không kịp để hạn chế giá dầu giảm sâu.
Theo ZingNews