Ngày 19/12, tại Hội thảo "Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất và kinh doanh rau quả ở quy mô nhỏ", Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) công bố con số thống kê một đợt khảo sát gần nhất khiến nhiều người giật mình: Có tới 51,24% mẫu rau phát hiện mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng, 47% mẫu rau có dư lượng vượt ngưỡng NO3.
Rau không an toàn đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người, là một trong những nguyên nhân chính trong các vụ ngộ độc thực phẩm, các triệu chứng bệnh lạ trên người trong những năm gần đây.
Một quầy bán rau ở quận 1, TP.HCM |
Thống kê của IPSARD cũng cho thấy, 80% lượng rau ở các chợ đầu mối tại Hà Nội hiện nay có nguồn gốc từ Trung Quốc và các tỉnh khác. Trong đó, hầu hết số rau này không được giám sát trong quá trình lưu thông, phân phối. Nguyên nhân do việc quản lý nguồn rau trồng nội địa, cũng như nhập khẩu qua các vùng biên giới, đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, hiện nước ta có khoảng 245 văn bản về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cùng với pháp lệnh, nghị quyết, quyết định… song tiến trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chế tài quản lý an toàn thực phẩm còn rất dài để Luật An toàn thực phẩm có thể được thực hiện hóa.
Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Vệ sinh – Y tế Công cộng TP.HCM đã phát hiện virus gây tiêu chảy, ói mửa trong nhiều loại hải sản tươi sống.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 40 mẫu hải sản các loại tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM, mỗi loại 5 mẫu, số lượng 300g/mẫu, gồm nghêu, sò huyết, sò lông, chem chép, sò vẹo, sò đá, móng tay, hàu.
Qua phân tích kết quả xét nghiệm cho thấy, có 12/40 mẫu hải sản nhiễm Norovirus nhóm GI và GII. Trong đó, nghêu, sò huyết chiếm 3/5 mẫu nhiễm Norovirus, hàu chiếm tới 4/5 mẫu nhiễm virus này. Trong số mẫu nhiễm virus của hàu thì có 1 mẫu nhiễm đồng thời Norovirus GI, GII và 3 mẫu nhiễm GI hoặc GII.
Norovirus là một trong những tác nhân gây tiêu chảy ở người lớn, chủ yếu là người già với tỷ lệ tử vong cao.
Theo Danviet