Ăn chuột Campuchia, chó nhập lậu, nhện độc ngoại

Thứ tư, 09/10/2013, 09:00
Việt Nam đang trở thành một thị trường tiêu thụ nhiều món ăn kỳ quái nhất khu vực. Thời gian gần đây, người ta nhập lậu chó, chuột và cả những con côn trùng để làm mồi nhậu.

Sang Campuchia săn nhện hùm

Nhện hùm là loại côn trùng ở Việt Nam khó kiếm. Để có đủ nguồn hàng, người ta phải mua nhện hùm từ các thương lái Campuchia.

Cánh mày râu khi đến chợ Tịnh Biên (An Giang) không ai bỏ lỡ cơ hội mua những con nhện hùm để tẩm bổ, nhất là cái khoản… tăng lực vì loài này được mệnh danh là “hùm xám chốn phòng the”. Những con nhện này lông lá tua tủa, đen sì sì rất gớm ghiếc.

Chỉ nghe cái tên nhện hùm thôi cũng đủ biết giống nhện này rất… dữ dằn, “dữ trên tất cả các mặt, từ nọc độc đến biệt năng giường chiếu”. Nhện hùm được bán với giá dao động từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng/con tuỳ lớn nhỏ.

Nhiều loài côn trùng độc khác nhau được bày bán ở chợ cửa khẩu Tịnh Biên

Theo những người bán côn trùng, nhện hùm là loài cực độc, chuyên sống trong các bọng cây, lùm bụi trên đỉnh núi Cấm. Do bị thợ săn truy lùng ráo riết nên đỉnh Thiên Cấm Sơn (tên gọi khác của núi Cấm) nay khan hiếm nhện hùm. Để có nguồn nhện cung cấp cho mối lái, bạn hàng, cánh thợ săn lắm lúc phải đi sang núi Tà Lơn ở Campuchia… săn tìm!

Chợ “độc dược” vùng biên

Ở chợ côn trùng tại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), ngoài nhện hùm, người ta còn bày bán rất nhiều loài côn trùng khác. Từ những loài vật cực độc, có thể mất mạng nếu bị chúng cắn phải như bọ cạp, rắn rít cho tới những con vật mà mới thoáng nhìn qua, nhiều người đã lạnh cả sống lưng vì sự gớm ghiếc như ngô công (hay còn gọi là rết), mối chúa, bổ củi…

Côn trùng ở đây thường được ngâm rượu, được chiên giòn hay…nướng muối ớt phục vụ phái mày râu bởi công dụng chính của chúng là tăng cường sinh lý, duy trì bản lĩnh đàn ông.

Nhện hùm.

Giá của côn trùng ở chợ Tịnh Biên dịp đầu xuân vào khoảng 10.000 - 15.000 đồng/con bọ cạp, 20.000 - 25.000 đồng/con ngô công. Còn mối chúa to cỡ ngón chân cái người lớn, dài nửa gang tay là loài côn trùng quý hiếm, lâu lâu mới bắt được nên giá khá cao, phải từ 500.000 đồng/con trở lên.

Theo những người buôn bán côn trùng ở chợ Tịnh Biên thì hiện nay, ngoài nguồn cung côn trùng ở núi Cấm. Những thợ săn côn trùng chủ yếu là người Khmer còn phải lặn lội sang tận bên vùng Tà-keo, Sam-rong (Campuchia) để săn hàng nên chi phí của nó tăng cao.

Hàng trăm tấn chuột từ Campuchia về Việt Nam mỗi ngày

Cả trăm tấn chuột từ Campuchia được tuồn về Việt Nam mỗi ngày, sau đó được các đầu nậu làm thịt, lột da, mổ bụng rồi mang tiêu thụ khắp miền Tây.

Tại cửa khẩu Khánh Bình, An Phú (An Giang) giáp với xã Chray Thom, huyện Co Thum, tỉnh Kandal (Campuchia) có những vựa chuột cả trăm tấn được nhập từ Campuchia về.

Những lồng chuột từ Campuchia được chuyển về Việt Nam

Sau khi xuồng chở chuột cập bờ phía An Phú, những lồng chuột này được chuyển về hàng chục điểm tập kết ở thị trấn Long Bình, hòa nhập với đàn chuột Việt Nam đã có mặt từ trước. Và lúc này, không ai còn phân biệt được đâu là chuột nội, đâu là chuột ngoại nhập.

Ngoài các thương lái có điều kiện đến biên giới để thu mua chuột tận gốc, thì tại các địa phương giáp biên như An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên của An Giang có cả trăm cơ sở chuyên thu gom chuột đồng.

Chuột thành phẩm được ướp đá chuẩn bị mang đi giao cho các nhà hàng, quán nhậu. Nhờ vào công việc săn bắt chuột bán cho thương lái mà những người dân ở An Giang đang có thu nhập khá ổn định khi mùa nước lũ về.

Buôn lậu chó vào Việt Nam kiếm hàng triệu USD

Mỗi năm, hàng trăm nghìn con chó bị bắt tại các nước lân cận rồi buôn lậu sang Việt Nam. Điểm đến cuối cùng của những con vật xấu số này là những nhà hàng đặc sản cao cấp và những quầy hàng vỉa hè ở Hà Nội. Nhu cầu thịt chó cao đến mức việc cung cấp đã trở thành một nghề hái ra tiền trên thị trường chợ đen.

Buôn lậu chó vào Việt Nam

Ước tính có khoảng 10 triệu con chó ở Việt Nam, nơi thịt chó đắt hơn thịt lợn và có thể bán được với giá cao ở những nhà hàng cao cấp.

Nhu cầu thịt chó ngày càng tăng khiến những người cung cấp tìm đủ mọi cách, từ việc bẫy đến trộm chó, sau đó tìm nguồn cung ở nước ngoài. Những đường dây kinh doanh chó lên đến hàng triệu USD xuất hiện, mỗi năm tuồn khoảng 300.000 con chó từ Thái Lan vào Việt Nam. Trên thị trường chợ đen, việc buôn chó không bị đánh thuế khiến lợi nhuận của “nghề” này lên đến 300-500%.

Để đến được Việt Nam, những con chó bị nhồi nhét vào những chiếc lồng sắt, mỗi lồng từ 12-15 con, mỗi xe chở từ 6-8 lồng chở ô tô đi qua nhiều tuyến đường bộ về Việt Nam.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn