Trong sự kiện diễn ra tại San Franscisco (Mỹ) ngày 30/9, Microsoft đã công bố thế hệ tiếp theo của Windows với tên gọi Windows 10 thay vì Windows 9. Tập đoàn phần mềm Mỹ hiện có hàng trăm triệu khách hàng sử dụng Windows 7 và hãng này muốn họ nâng cấp lên phiên bản mới nhất.
"Windows 10 giống như là xe Tesla so với Windows 7 Prius vậy", Joe Belfiore, Phó chủ tịch Microsoft, nhấn mạnh.
Hệ điều hành mới vẫn giữ lại những điểm tinh túy của Windows 8 như chế độ Snap, các ô cửa sổ động Live Tile hay kho ứng dụng hoạt động trên mọi thiết bị từ điện thoại đến TV. Tuy nhiên, về cơ bản, Windows 10 vẫn là bản nâng cấp từ Windows 7. Chẳng hạn, thanh Start Menu, vốn bị Microsoft loại bỏ ở bản 8, đã xuất hiện trở lại. Start Menu có giao diện kết hợp giữa phong cách truyền thống từ Windows 7 trở về trước và giao diện Modern UI trên Windows 8.
"Sự quen thuộc" là từ mà các chuyên gia của Microsoft liên tục sử dụng khi nói về Windows 10. Họ nhắc đi nhắc lại về chuyện nâng cấp sẽ đơn giản như thế nào, nền tảng mới mang đến cảm giác thân thuộc ra sao với những người dùng Windows (thay vì là một sự lột xác hoàn toàn như khi Microsoft công bố Windows 8).
The Verge nhận xét, nếu Windows 10 là Windows 7 được làm mới, vậy Windows 8 nằm ở đâu? Trang công nghệ này cho biết, trong suốt sự kiện, Microsoft dường như không nghĩ nhiều tới những người đang dùng Windows 8 mà họ chỉ hướng đến những khách hàng hiện vẫn sử dụng Windows 7 và Windows XP.
Phải đến năm 2015, Windows 10 mới có mặt trên thị trường và đủ thời gian cho các nền tảng khác tiếp tục đổi mới. Với nhiều người dùng Windows, bản 10 là một bước tiến đáng kể, đủ thuyết phục họ chuyển đổi, đúng như Microsoft mong đợi. Nhưng hãng này từng mạnh dạn giới thiệu Windows 8 với diện mạo khác biệt so với các thế hệ Windows trước nhằm thích nghi với xu hướng di động, đám mây và màn hình cảm ứng.
Trong khi đó, quyết định của Microsoft cho thấy dường như họ đang e dè trong việc tiếp tục thử nghiệm cái mới. "Sự quen thuộc luôn dễ dàng và tạo cảm giác an toàn, thậm chí mang lại nguồn lợi nhuận lớn. Nhưng trong những ngành luôn biến động và phát triển nhanh như công nghệ, 'quen thuộc' là một lựa chọn nguy hiểm", The Verge nhấn mạnh.
Theo VnExpress