TP.HCM hợp tác với Nhật phát triển vi mạch

Thứ tư, 20/01/2016, 10:30
Hôm 19-1, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã ký kết hợp tác với Quỹ Khoa học Công nghệ Nagano (Nhật Bản) để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Ngô Đức Hoàng (trái) và ông Shin-ichi Wakabayashi ký kết hợp tác

Sự kiện này diễn ra chỉ một tháng sau khi ICDREC giới thiệu những con chip (vi mạch) và sản phẩm ứng dụng được xây dựng dựa trên nền tảng chip do Việt Nam thiết kế tại triển lãm hội chợ triển lãm về vi mạch và công nghiệp phụ trợ Japan 2015 (SEMICON Japan) tại Tokyo (Nhật Bản), và đã thu hút sự quan tâm của Quỹ Khoa học Công nghệ Nagano và các doanh nghiệp Nhật khác.

Theo văn bản ký kết, hai bên sẽ trao đổi, hợp tác trong các nội dung chính như thực hiện các dự án nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao dựa trên thế mạnh của nhau; trao đổi thông tin và tài liệu khoa học liên quan trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn…

Một điểm đáng chú ý là đến TP.HCM lần này, đoàn công tác tỉnh Nagano và Quỹ Khoa học Công nghệ Nagano cũng nhằm tìm hiểu, nghiên cứu mô hình và các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và thương mại của Trung tâm ICDREC. Qua đó phía đối tác Nhật Bản cũng tìm hiểu về những chương trình, chính sách của TP.HCM trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch.

Theo ông Shin-ichi Wakabayashi, Giám đốc Trung tâm liên kết Quốc tế Nanotech, Quỹ Khoa học Công nghệ Nagano, quỹ của ông cũng muốn học hỏi về cách điều hành tổ chức của ICDREC trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Theo ông Lê Thái Hỷ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TP.HCM, Việt Nam là quốc gia bước vào lĩnh vực vi mạch chậm so với nhiều nước trên thế giới, nên có những khó khăn nhất định. Hiện cả nước mới chỉ có TP.HCM có chương trình phát triển vi mạch, với ICDREC là đơn vị chủ chốt. Do vậy, việc hợp tác quốc tế được xem là nội dung quan trọng, tiên quyết để phát triển ngành này ở Việt Nam.

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, cho rằng việc ký kết này là cột mốc đánh dấu sự lan tỏa của Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TP.HCM đến với thị trường thế giới, là cơ hội để mở rộng hợp tác của ngành công nghiệp vi mạch điện tử Việt Nam với quốc tế, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, một quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch điện tử.

Theo ông Hoàng, sau khi tham gia Hội chợ triển lãm SEMICON Japan 2015 tại Nhật Bản, ICDREC đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đối tác Nhật Bản. Ngoài Quỹ Khoa học Công nghệ Nagano, một số công ty Nhật hoạt động trong ngành này cho biết sẽ qua Việt Nam sớm để tìm hiểu và thảo luận về khả năng hợp tác với ICDREC trong việc đặt trung tâm gia công thực hiện hay ICDREC sẽ cung cấp nguồn nhân sự liên quan về thiết kế chip cho họ.

Theo ông Hoàng đến nay đã có hai doanh nghiệp Nhật đề nghị ICDREC cung cấp một lượng lớn nhân sự về vi mạch bán dẫn của Việt Nam để làm việc tại Nhật. Chẳng hạn, SocioNext, một công ty lớn chuyên nghiên cứu, thiết kế những bộ vi xử lý phục vụ cho nhiều sản phẩm ứng dụng, đang tìm kiếm những kỹ sư có khả năng thiết kế vi xử lý hiệu năng cao. Sau khi làm việc và xem sản phẩm của ICDREC, ông Hoàng cho biết SocioNext tin tưởng rằng những kỹ sư trẻ của Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn mà họ đang cần.

Mặc dù vậy, ông Hoàng cũng lo ngại về khả năng giao tiếp tiếng Nhật và am hiểu văn hóa Nhật của kỹ sư Việt Nam.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn