Cổ phiếu của Apple tại thời điểm hiện tại đã giảm 25% so với giữa năm 2015, các nhà phân tích đều nhất trí dự đoán rằng doanh số của iPhone sẽ sụt giảm nặng nề. Thậm chí hai nhà phân tích Tavis C. McCourt và Mike Koban tại công ty tài chính Raymond James còn cho rằng doanh số của Apple còn đi xuống nữa tại thời điểm ra mắt iPhone 7.
Giả thuyết của điều này là do các chuyên gia nghĩ những nâng cấp trên thế hệ iPhone tiếp theo sẽ không có gì đặc sắc cả. Hiện tại, iPhone 6s của Apple không có gì nổi trội về tính năng so với đời trước đó là iPhone 6, nên số người quyết định nâng cấp không được cao cho lắm. Vì thế, nỗi sợ ấy đang lan rộng ra iPhone 7. Mọi người đang nghĩ rằng thế hệ tiếp theo của iPhone sẽ không phải là một "quả bom tấn" như Apple đã từng ra mắt trong quá khứ.
Nhưng hãy khoan đánh giá thấp Apple. Có vẻ như Apple đang chuẩn bị tung ra vũ khí bí mật (mà họ đã dùng trong quá khứ) một lần nữa trên iPhone 7: báo hiệu sản phẩm (product signaling).
Sự báo hiệu này có thể sẽ được thể hiện qua 3 thay đổi về dáng vẻ bề ngoài của iPhone:
1. Thân máy không dùng chất liệu kim loại.
2. Tai nghe không dây.
3. Loại bỏ nút home.
Tuy những thay đổi này chỉ là về mặt hình thức, nhưng nó sẽ khiến iPhone 7 trở nên nổi bật so với các điện thoại khác, nó biến tất cả các dòng iPhone đời trước trở nên lỗi thời.
Một ví dụ về sức mạnh của chiến thuật báo hiệu sản phẩm của Apple chính là iPod. Khi Apple ra mắt iPod, nó đi kèm với tai nghe màu trắng. Thời bấy giờ hầu như các tai nghe đều có màu đen và chính sự hiện diện của tai nghe màu trắng khác thường này của Apple là để báo hiệu cho mọi người khác thấy "Tôi đang sử dụng iPod đây". Việc sở hữu tai nghe màu trắng giống như gia nhập một câu lạc bộ vậy.
Hãy tưởng tượng những thanh thiếu niên sẽ thấy thế nào, không ai muốn mình la đứa trẻ với chiếc máy Walkman lỗi thời trong khi bạn bè đều sử dụng iPod cả. Chính chiếc tai nghe trắng ấy chính là dấu hiệu cho thấy ai "thời thượng" và ai "lỗi thời".
Tương tự, khi Apple cho ra mắt iPhone 5s và iPhone 6 Plus, chính màu sắc mới và kích thước lớn đã âm thầm nói lên cho người khác rằng "Tôi có điện thoại mới đây". Càng nhiều người mua những dòng điện thoại mới này, càng gây ra nhiều áp lực cho những người sử dụng iPhone đời cũ (và cả người dùng Android) khiến họ muốn nâng cấp điện thoại.
Chiếc tai nghe không dây và sự loại bỏ nút home sẽ gấy ra rất nhiều tò mò nếu Apple quyết định tích hợp chúng trên dòng iPhone tiếp theo. Hãy tưởng tượng một người có chiếc điện thoại không có nút home mới rút nó ra đặt trên bàn, mọi người khác sẽ rất chú ý mà hỏi đến nó.
Nếu người dùng có chiếc điện thoại không làm bằng kim loại, mọi người sẽ hỏi cảm giác cầm trên tay như thế nào. Nếu người dùng nghe nhạc bằng tai nghe không dây, mọi người sẽ hỏi chất lượng âm thanh tốt hay không.
Chiến thuật báo hiệu sản phẩm thực sự hiệu quả
Một ví dụ để chứng minh điều này nữa là bia Corona. Tại sao trong mẫu quảng cáo này lại có lát chanh ở trên miệng chai bia? Công ty sản xuất Corona nhận ra rằng quán bar sẽ bán được nhiều Corona hơn nếu bartender đặt một miếng chanh lên miệng chai. Vì điều này khiến mọi người tò mò "Cái gì thế nhỉ? Tôi muốn thử được không?". Bia Corona dùng với chanh là một sự đặc biệt, nó khiến sản phẩm trở nên nổi bật so với một rừng các loại bia khác.
Tất nhiên không có gì là hoàn hảo. Apple đã áp dụng chiến thuật này cho Apple Watch. Nhưng chính vì các nhược điểm và tính năng hạn chế đã khiến Apple Watch không thành công như mong đợi. Tuy công ty đã bán được rất nhiều sản phẩm này, nhưng họ lại không đặt con số đó trong bản báo cáo tài chính như các sản phẩm khác.
Tóm lại, các nhà phân tích dự đoán doanh số của iPhone 7 thấp hơn iPhone 6 hoặc 6S sẽ sai hoàn toàn, vì chiến thuật báo hiệu sản phẩm này không thể thất bại nếu Apple làm đúng.
Theo Genk