Chính phủ Mỹ từng yêu cầu Apple mở khóa hộ một chiếc iPhone không hề có mật khẩu

Thứ hai, 22/02/2016, 09:59
Có thể nói, thói quen lạm dụng quyền lực của các cơ quan chính phủ đối với các công ty công nghệ mới là lý do quan trọng khiến Apple cũng như CEO Tim Cook chống lại yêu cầu từ FBI.

Gần đây, theo một bài báo về CEO Tim Cook đăng trên báo New York Times, trong vài năm qua Apple đã trở nên quá mệt mỏi với việc các quan chức chính phủ trên khắp thế giới yêu cầu họ giúp đỡ mở khóa những chiếc smartphone.

Không chỉ vậy, một vài yêu cầu trong số đó thực sự là ngớ ngẩn. Dưới đây là một yêu cầu từng làm Apple phải điên người: một quan chức chính phủ từng yêu cầu Apple phải mở khóa một chiếc điện thoại thậm chí còn chẳng có mật khẩu bảo vệ.

Theo báo New York Times:

Trong một tình huống, sau khi các quan chức thực thi pháp luật vội vàng đưa một chiếc điện thoại đến trụ sở của Apple để trích xuất dữ liệu, các kỹ sư đã phát hiện ra rằng mục tiêu của họ đã không bật tính năng mật khẩu cho thiết bị.

Bài báo trên tờ Times cho rằng, chính những phiền toái cho Apple, khi phải đối phó với số lượng ngày càng tăng các yêu cầu từ chính phủ đã ảnh hưởng mạnh đến suy nghĩ của ông Cook về bảo mật và tính riêng tư. Đỉnh điểm của những bực bội này đã khiến CEO của Apple công khai thách thức yêu cầu của tòa án về việc buộc công ty phải giúp đỡ FBI mở khóa chiếc smartphone của tên khủng bố.

Chấp nhận những yêu cầu này là một sự mệt mỏi cho Apple. Các luật sư sẽ phải xem xét chặt chẽ từng yêu cầu một. Và khi yêu cầu đó được chấp nhận, Apple lại phải hy sinh biện pháp bảo mật cấp gián điệp và các nguồn lực đáng kể để mở khóa chiếc điện thoại đó.

Cũng theo tờ New York Times : trong những năm gần đây, Apple đã buộc các quan chức thực thi pháp luật phải thân hành cầm các thiết bị đó đến trụ sở của công ty (thay vì gửi qua các dịch vụ khác). Tại đây, một kỹ sư đáng tin cậy của Apple sẽ nghiên cứu chiếc điện thoại trong một túi Faraday (túi giúp chặn các tín hiệu không dây) trong quá trình khai thác dữ liệu.

Cũng theo tờ The Daily Beast, Apple đã phải trích xuất dữ liệu từ ít nhất 70 thiết bị cho các cơ quan chính phủ kể từ năm 2008. Như CEO Tim Cook đã từng đề cập, các chính phủ nước ngoài cũng có thể đưa ra các yêu cầu tương tự với các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ.

Việc phải đối mặt với làn sóng ngày càng tăng các đòi hỏi của chính phủ là một nhân tố chính làm thay đổi quan điểm của ông Cook về an ninh cũng như sự riêng tư của khách hàng. Có lẽ chính vì vậy mà ông đã quyết định công khai thách thức phán quyết của tòa án.

Ở mức độ thấp hơn, những thủ tục an ninh khó chịu và tốn kém xung quanh các đòi hỏi hợp pháp cũng giúp giải thích tại sao Apple lại mã hóa các dữ liệu cá nhân trong thiết bị của mình. Các biện pháp bảo mật cho danh bạ, tin nhắn và ảnh được làm theo cách mà ngay Apple cũng không mở khóa được chúng, cho dù có sự bắt buộc từ cơ quan chính phủ.

Theo GenK

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích