Đua nhau hỏi khó Siri

Thứ sáu, 21/10/2011, 00:00
Ứng dụng mới của iOS 5 hoạt động như một trợ lý ảo rất ấn tượng với điều kiện chủ nhân của nó phải nói tiếng Anh chuẩn. Nhiều người đã thử thách trí thông minh nhân tạo của Siri và kết quả khá ấn tượng.
Ứng dụng mới của iOS 5 hoạt động như một trợ lý ảo rất ấn tượng với điều kiện chủ nhân của nó phải nói tiếng Anh chuẩn. Nhiều người đã thử thách trí thông minh nhân tạo của Siri và kết quả khá ấn tượng.

Phil Schiller giới thiệu Siri trên iPhone 4S

Tính năng trợ giúp cá nhân qua giọng nói Siri mới của Apple một mặt đang gây ấn tượng bởi sự “thông thái” của nó, mặt khác cũng có nhiều phàn nàn trên các mạng xã hội về sự “lệch lạc” của nó. Nhưng nói gì thì nói, người trợ lý ảo thông minh Siri được Apple cài sẵn trong iPhone 4S vẫn làm người ta ấn tượng bởi giọng nói của người thật cũng như thái độ nó trả lời câu hỏi của người dùng. Nhiều người cho rằng chữ "S" trong iPhone 4S chính là chữ viết tắt của "Siri" chứ không phải là "Speed" (tốc độ) như iPhone 3GS, thậm chí có 1 số fan còn cho rằng chữ S này được dùng để tưởng niệm Steve Jobs (!). Có điều bạn nên có một giọng nói và phát âm tiếng Anh chuẩn để Siri có thể hiểu được bạn.

Blogger Josh Topolsky của This is My Next bắt đầu với người trợ lý trong chiếc iPhone 4S mới của mình bằng cách chơi chữ khi hỏi nơi nào là nơi tốt nhất để giấu xác chết (cũng có thể hiểu là cơ thể, hoặc giấu mình, lẩn trốn). Siri đưa ra các đáp án: khu mỏ, bãi rác, đầm lầy, bồn chứa và lò đúc kim loại. Việc cố tình “chơi khó” Siri đang là cơn sốt mới với những người sùng bái iPhone. Nhưng chắc chắn Apple đã lường trước được kha khá tình huống mà Siri sẽ phải đối mặt từ khi thai nghén tính năng này. Các kỹ sư của hãng đã dự tính người dùng iPhone 4S đều có những sự ám ảnh về cái chết, hay các thông tin liên quan tới Monty Python, Stanley Kubrick và Douglas Adams. Siri thậm chí còn có một tài khoản trên trang mạng xã hội Tumblr thuộc dạng “nhạy cảm dành cho người lớn” có tên là S**tThatSiriSays. Địa chỉ này dành cho các thần dân vương quốc Táo đưa các câu hỏi của mình lên và nhận lại phản hồi của Siri. Hãy xem những trường hợp thú vị về sự “thông thái” của Siri khi xử lý tình huống.

Hỏi: Ý nghĩa của cuộc sống là gì?

Đáp: "Cố gắng thân thiện với mọi người, tránh ăn đồ béo, lúc nào cũng có một cuốn sách hay để đọc, thư giãn bằng cách đi dạo, hãy cố gắng sống hòa bình và thiện chí với mọi người thuộc về các tôn giáo và quốc gia khác nhau”.

Đây quả là một câu trả lời cô đọng với các ý thường được đề cập tới trong các cuốn sách dạng “Hạt giống tâm hồn”, rất ngắn gọn và giúp bạn không cần thiết phải xem hết cả 300 trang sách để rút ra kết luận như vậy. Tuy nhiên, cùng câu hỏi như trên, có lúc câu trả lời của Siri lại mang hơi hướng pháp luật khi nói rằng: “Các bằng chứng cho đến lúc này gợi ý rằng đó là sô-cô-la”. Vẫn hỏi lại câu này vào một lúc khác, Siri trả lời là "42" (có lẽ là chơi chữ four - two, ám chỉ dành riêng cho 2 người).

Hỏi: Tôi có béo không?

Siri lảng tránh một cách khôn khéo bằng câu trả lời "Tôi không muốn nói".

Ai là bố của anh? (chơi chữ "bố", ở đây thường mang hàm ý ông chủ).

"Chính là ông. Chúng ta có thể quay trở lại làm việc được chưa?"

Và đây là một trả lời có thông tin liên quan tới bộ phim rất nổi tiếng "2001: A Space Odyssey":

Siri, mở cửa tàu vũ trụ ra!.

"Xin lỗi, ______, Tôi e rằng tôi không thể làm được việc đó. Ông đã vui chưa?”

(Bất ngờ ở chỗ phần in đậm chính là nguyên văn câu trả lời trong phim, và càng bất ngờ hơn với câu hỏi thêm của Siri).

Siri cũng giải đáp về những thắc mắc “cắc cớ” như chúng ta phải liếm bao nhiêu lần để xài hết một chiếc kẹo mút (câu trả lời của Siri là 3481 lần, theo nghiên cứu của sinh viên trường Đại học Cambridge), hay tốc độ bay bình thường của một con chim nhạn là bao nhiêu (trả lời là 25 dặm/h).

Nguồn: http://shitthatsirisays.tumblr.com

Geoffrey Fowler của tờ Wall Street Journal thì lại cho rằng: "trong rất nhiều trường hợp, sự giải thích tỏ ra rất máy móc”. Cha đẻ của Siri là ông Norman Winarsky, đồng sáng lập của công ty Siri đã được Apple mua lại với giá 200 triệu USD năm 2010. Ông cho biết đội ngũ của ông rất chú trọng đến việc tạo cho Siri có những “suy nghĩ sâu xa” như một tính cách quan trọng của người trợ lý ảo này. Siri gồm 2 hệ thống cơ bản, một dành cho việc nghe và dịch lại những gì bạn nói, hệ thống còn lại sắp xếp và diễn giải sao cho đúng ý rồi hồi đáp.

Trước đây đã có một vài chương trình phần mềm cho phép máy có thể tự trả lời các câu hỏi của con người, nhưng Siri là một cái gì đó khác hẳn nhờ vào sức mạnh của điện toán đám mây. Blogger Jon Stokes của Wired Cloudline nêu quan điểm như vậy và tin tưởng rằng công nghệ này mới chỉ là sự khởi đầu cho những thay đổi lớn lao sắp được hiện thực hóa trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ông nói: “Siri là một ứng dụng điện toán đám mây và các kỹ sư của Apple có thể liên tục cập nhật và chỉnh sửa nó để đưa ra được các câu trả lời sát với ý người hỏi hơn nhằm thỏa mãn hàng triệu người dùng ưa thích tính năng này… Chúng ta thậm chí có thể thấy được Siri sẽ thông minh lên theo khoảng thời gian thực, cho tới khi những người dùng trưởng thành cũng không thể phân biệt được là người thật hay là máy trả lời các thắc mắc của họ. Các cuộc đối thoại sẽ ngày càng thông minh hơn và đúng chủ đích hơn”.

Chúng ta hãy chờ xem Siri sẽ tiến bộ như thế nào và các đối thủ cạnh tranh phản ứng ra sao. Liệu Android có đưa vào tính năng tương tự vào các sản phẩm của mình? Hay Microsoft sẽ đưa chú trợ lý kẹp giấy từng bị thất sủng rất lâu trở lại trong các ứng dụng Windows Phone? Câu trả lời còn nằm ở phía trước.

Theo PCWorld

Lê Thị Cẩm Tú

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích