Bị can Khánh nói nhìn thấy vết rạch trên xác nạn nhân
Ngày 1/4, luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh – Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết trong lần gặp gần đây nhất, bị can Khánh một lần nữa khẳng định cùng Nguyễn Mạnh Tường ném xác chị Huyền xuống dưới sông.
Trả lời câu hỏi của luật sư, Khánh thuật lại: "Lúc đó anh Tường xốc vai chị Huyền, còn cháu cầm chân nâng qua thành lan can".
Hỏi về quá trình ném xác nạn nhân có dấu hiệu gì bất thường hay không, bị can Khánh trả lời luật sư rằng: lúc đó chiếc áo chị Huyền bị gió thổi tốc nên nhìn thấy vết rạch dưới rốn.
Để làm rõ thêm chi tiết này, luật sư đặt câu hỏi: "Ở vết rạch có chảy ra chất dịch gì không?". Bị can 17 tuổi nói vết rạch lúc đó đã khô.
Là người bào chữa cho Đào Quang Khánh, luật sư Tuấn nhìn nhận, bị can này không phải là người quá lạnh lùng. Khánh từng nói mong sớm tìm thấy xác nạn nhân và sau khi chấp hành bản án tù xong sẽ đến thắp hương tạ tội với chị Huyền.
Luật sư Tạ Anh Tuấn là luật sư thứ hai được gia đình bị can Khánh mời tham gia bào chữa trong phiên tòa sắp tới.
Trộm cắp hay chiếm giữ trái phép tài sản?
Nói về vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường ném phi tang xác bệnh nhân, ông Tuấn đưa ra quan điểm rằng VKS truy tố bị can Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là vừa thiếu vừa yếu.
Luật sư này cho hay, đến nay vật chứng trong vụ án là thi thể chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy nên chưa làm rõ được nguyên nhân tử vong. Từ đó có thể làm rõ bác sĩ Tường trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ có gây ra cái chết cho nạn nhân hay không để dẫn tới việc phi tang xác nạn nhân.
Theo ông Tuấn, cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu, chứng cứ như lời khai của Tường và ê kíp mổ phù hợp với diễn biến vụ việc, phù hợp với các hóa đơn, chứng từ làm dịch vụ thẩm mỹ cho chị Huyền…
Tuy nhiên, cho đến nay, lời khai của những người tham gia trực tiếp trong kíp mổ chưa được làm rõ đầy đủ để xác định các vật chứng liên quan đến quá trình phẫu thuật.
"Phải có việc Tường làm chết nạn nhân thì mới có việc phi tang xác nạn nhân, tức là xâm phạm thi thể", luật sư nói.
Đồng quan điểm trên, luật sư Trương Quốc Hòe – bào chữa bị hại cho biết, việc truy tố bị can Tường hai tội danh (Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt và Vi phạm khám chữa bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác) là không thỏa đáng. Ông mong muốn đề nghị trả hồ sơ điều tra tại phiên tòa sắp tới.
Đối với hành vi Trộm cắp tài sản của bị can Khánh, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về mặt tội danh.
Ông Thơm nói, Khánh và các nhân chứng khác từng khai, sau khi xảy ra sự việc bác sĩ Tường phẫu thuật thẩm mỹ làm nạn nhân tử vong vào tối ngày 19/10/2013, Tường đã chỉ đạo các nhân viên phi tang vật chứng. Lợi dụng cảnh hỗn loạn, Khánh tranh thủ lấy chiếc điện thoại iPhone 5 trong túi xách để bên cạnh xác nạn nhân.
Có ý kiến cho rằng hành vi này không thỏa mãn dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản. Luật sư Thơm lý giải, chủ tài sản (tức chị Huyền đã tử vong) nên hành vi lấy chiếc điện thoại của Khánh không có dấu hiệu “lén lút”. Mặt khác, anh ta không phải là người làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự (bị tử vong) nên cũng không phạm tội Cướp tài sản.
"Thực tế tại thời điểm khi Khánh lấy chiếc điện thoại của chị Huyền thì không ai trực tiếp quản lý tài sản đó nữa. Kết quả điều tra cũng xác định các nhân viên trong Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường đều có hành vi không tố giác tội phạm, che giấu hành vi phạm tội của Tường.
Tuy nhiên do Tường phạm tội theo điều 242 Bộ luật hình sự nên cơ quan điều tra không có cơ sở để khởi tố nên không thể coi những nhân viên này là người quản lý tài sản cho chị Huyền để làm căn cứ khởi tố Khánh về tội Trộm cắp tài sản. Tức là những nhân viên được ông ta chỉ đạo tẩu tán vật chứng thì không thể coi là người quản lý tài sản hộ chị Huyền", ông Thơm phân tích.
Luật sư này cho rằng Khánh có dấu hiệu Chiếm giữ trái phép tài sản hơn là tội Trộm cắp tài sản.
Điều 141. Tội chiếm giữ trái phép tài sản 1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. |
Theo VietQ