Nam sinh này lo lắng vì bị quấy rối.
Tấn công từ thầy sang trò
Ba thầy trò Lê Anh Dũng (SN 1993, quê Đồng Xuân, Phú Yên, sinh viên một trường Cao đẳng tại TP.Nha Trang) ở cùng dãy trọ tại phường Vĩnh Hải (TP.Nha Trang, Khánh Hòa), mỗi người một phòng. Theo lời kể, từ cuối tháng 4/2014, Dũng quen biết ông Lê Minh (SN 1974, ngụ ở Hòn Khói, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) qua thầy giáo trong trường ở cùng dãy trọ.
Người đàn ông này giới thiệu từng là giáo viên dạy Văn ở một trường THPT ở Ninh Hòa, hiện đã nghỉ dạy, tham gia một hội tự nguyện tại TP.Nha Trang. Ông ta cũng khoe có nhiều tác phẩm thơ đăng trên văn đàn, từng đoạt nhiều giải thưởng.
Sau một vài lần đi nhậu, uống cà phê, hai bên thành thân quen. Cũng thời gian này, Minh thuê khách sạn cách chỗ nam sinh trọ khoảng 5 phút đi xe máy, vì thế thường hay ghé chơi. “Không ngờ mối quan hệ này lại mang đến bao nhiêu rắc rối sau này”, Dũng nói.
Người đàn ông liên tục nhắn tin giận dỗi, gọi Dũng là “công tử Đồng Xuân”. |
Nam sinh cho biết, chính người giảng viên quen biết với Minh cũng từng bị ông ta quấy rối. “Có một lần vào giữa tháng 4/2014, Minh mời thầy đi Ninh Hòa chơi. Trước khi đi nói mai mới về, nhưng nửa đêm đã thấy thầy vội vã bỏ về. Đêm hôm đó chắc là xảy ra việc bất thường, nhưng thầy không nói gì nên sau này ông Minh mới tiếp tục quấy rối chúng tôi”, Dũng đoán.
Nam sinh thuật lại một lần chứng kiến thầy giáo bị người kia quấy rối: Ngày 25/4, Minh đến ngủ ở phòng giảng viên trên sau khi đã nhậu say. Khi thức giấc, giảng viên thấy bị ông ta ôm chặt và gác chân lên người. Hôm sau ông ta đòi ngủ lại, giảng viên thấy dấu hiệu bất thường nên đã chủ động nằm riêng dưới đất.
Trước thái độ cương quyết đề phòng của giảng viên, Minh chuyển sang tiếp cận Dũng và cậu bạn cùng trường. Tuy nhiên, bạn của Dũng ngoài giờ học phải đi làm thêm vào buổi tối nên Minh không có điều kiện tiếp cận trong đêm. Cậu này cho biết: “Ngày 29/4, khi tôi đi làm thì Minh gọi điện bảo: “Em nghỉ làm về nhậu với thầy”. Tôi không nghỉ được, đêm đó ông ta liên tục gọi điện và nhắn tin giục về”.
Một đêm, hai lần chạy khỏi giường vì bị sờ soạng
Ngay sau đó Minh chuyển sang mồi chài Dũng. Giữa đêm đó, Minh rủ Dũng đi xem bóng đá và uống vài chai bia, đề nghị được ngủ chung phòng. “Minh nói phòng thầy tôi có ma nên không dám ngủ, phải ngủ ở phòng tôi. Vì cả nể, phòng rộng mà chỉ ở một mình, trong khi trời đã về khuya, nên tôi đồng ý”, Dũng thuật lại.
Đêm đó Minh về ngủ trước, nam sinh còn xem bóng đá đến hơn 4h sáng mới về phòng, nằm được khoảng một lúc thì bị Minh gác chân đè xuống rồi vồ ôm chặt. “Sau đó, ông ta luồn tay vào ống quần đùi tôi. Vì quá sợ nên tôi co người lại nhưng lại bị ông ta ôm chặt tái diễn hành vi. Quá bức xúc, tôi vùng dậy nói lớn là trời sáng rồi, dậy đi uống cà phê”.
Một nạn nhân vụ việc. |
Lần đầu tiên bị sàm sỡ, nam sinh nghĩ người đàn ông chỉ đùa giỡn nên cũng im lặng không nói với ai. Sau đó ông ta chuyển đi do có bạn Dũng đến chơi, đến chiều ngày 2/5 trở lại tìm Dũng rủ đi nhậu, đến khoảng 23h thì cùng về phòng Dũng nghỉ ngơi.
Đêm đó Dũng lại bị ông ta lồng tay ôm chặt người rồi sờ soạng. Nam sinh vùng dậy chạy ra ngoài giữa đêm mưa tầm tã. Trước khi đi còn nghe người đàn ông kia nói: “Ngày mai em về phòng sẽ khác”. “Lúc đó đã khuya, tôi chỉ biết cắm đầu chạy sang phòng thầy tôi mà tim đập, chân run. Phải mất gần một giờ sau đó tôi mới bình tĩnh để thuật lại sự việc cho thầy nghe”, Dũng kể.
Người thầy sau đó yêu cầu Dũng giữ kín sự việc vì là chuyện tế nhị, nhiều người biết không hay. Sau đó, Dũng trở về phòng mình khi người đàn ông kia vẫn nằm trên giường. Vừa thấy Dũng, ông ta rủ lại gần rồi đè xuống giường, cố gắng hỏi đi ngủ với ai về, sau đó tiếp tục hành vi sờ soạng. Nam sinh quá sợ lại chống cự, vùng chạy thoát ra ngoài. Mãi đến buổi chiều, khi nghe mọi người trong khu trọ thông báo người đàn ông đã ra khỏi phòng, Dũng mới dám trở về.
Đeo bám cả ba thầy trò
Người đàn ông kia lại chuyển mục tiêu sang cậu bạn của Dũng, nhưng cậu này bận làm không nghỉ được. Đến ngày 4/5, bạn của Dũng mới biết sự việc, về đến phòng đã thấy Minh nằm chờ ở phòng mình. Cậu này sợ quá phải đến một quán ngồi nhờ, sau đó ra ngoài biển chờ trời sáng hẳn trong tâm trạng nơm nớp sợ hãi.
Kể từ đó, cả ba thầy trò Dũng từ chối tiếp xúc với Minh. Tuy nhiên, người đàn ông vẫn thường xuyên nhắn gọi cho cả ba để rủ đi chơi. Ba thầy trò bảo nhau chọn giải pháp im lặng. Nhưng những tin nhắn, các cuộc điện thoại ngày càng dồn dập. Nhắn gọi mãi không được, tối 8/5, người đàn ông lại đến phòng Dũng vì “lâu không gặp nên ghé thăm”. “Khi thấy bạn gái tôi ở trong phòng thì ông ta bỏ đi ngay”, Dũng nói. Sau đó, ông ta tiếp tục nhắn tin rủ rê hai người còn lại đi chơi nhưng đều bị cự tuyệt.
Các nam sinh cho biết, sự đeo bám của người đàn ông trên khiến họ lúc nào cũng lo lắng né tránh, cuộc sống bất an do ông ta vẫn không rời đi, thi thoảng lại tìm đến quấy rối. “Hành vi của ông ấy khiến chúng tôi hết sức lo lắng, không thể chú tâm vào việc học hành vì liên tục bị quấy rối. Ông ta còn ghen tức ra mặt mỗi khi phát hiện chúng tôi đi chơi hoặc nói chuyện với người khác, cứ nhắn tin gọi điện chửi mắng và trách móc vu vơ. Nhưng chúng tôi không biết phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng này?”, Dũng cho hay.
(Tên các nhân vật đã được thay đổi)
Ông Lương Thế Huy - Cán bộ pháp lý của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE): Rất nhiều người có quan niệm chỉ nữ giới mới là nạn nhân của quấy rối tình dục. Thực tế việc này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Với nạn nhân là nam, người quấy rối có thể là nữ, cũng có thể là nam. Như vậy, tất cả mọi người nên có kỹ năng để ứng xử với những tình huống này, đồng thời xác định tâm lý để đối mặt thẳng thắn và mạnh dạn. Tình huống trong bài viết, nếu xem là một trường hợp quấy rối tình dục thường gặp, thì cách giải quyết cũng tương tự. Tùy theo mức độ quấy rối để xem xét sẽ giải quyết riêng với nhau, hoặc nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Quan trọng là phải đối diện với người quấy rối, nói rõ cho họ biết những phiền toái mà họ gây ra, yêu cầu họ chấm dứt hành vi trước khi có những biện pháp mạnh hơn. Việc tiếp xúc này không nên mang thông điệp đe dọa, mục đích để người quấy rối hiểu được tình hình đang như thế nào để họ thay đổi cư xử. |
Theo Báo Pháp luật