“Rửa tay gác kiếm”
Thời điểm trước những năm 1975, nhắc đến Mai Thị Nguyệt - nữ tướng cướp hoạt động khắp các quận nội thành thành phố thì dư luận không phải ai cũng biết. Bởi giai đoạn này, bóng dáng cộm cán của những tay giang hồ máu mặt như: Đại Ca Thay, Huỳnh Tỳ, Cái Thế, Bạch Hải Đường… đã ăn sâu vào trí nhớ của người dân. Vì thế, sự xuất hiện của một nữ nhi vô tình lạc bước trong giới giang hồ như Nguyệt cũng không khiến mấy kẻ bận tâm.
Hơn thế, Nguyệt cũng chỉ là dạng giang hồ vặt, thống lĩnh hơn chục đàn em tổ chức cướp vặt vãnh, thậm chí đê hèn hơn là ăn trộm. Với cô gái độ tuổi ngoài hai mươi vừa trót lỡ dở vì mối tình đầu với Năm Cam, cuộc sống tạm bợ qua ngày như thế là tạm ổn. Ít ra, mỗi khi nhớ lại chuỗi ngày dại dột dấn thân vào tội phạm, bà Nguyệt bảo, quãng thời gian đó khiến bà nhớ nhiều nhất và nó trở thành bài học xương máu để bản thân ngộ nhận ra nhiều hơn triết lý cuộc sống.
Ngày ấy, sau khi Năm Cam đi tù vì tội Giết người, bản thân lại vừa hạ sinh đứa con trai đầu lòng, cuộc sống chênh vênh khiến bà Nguyệt giao đứa bé lại cho gia đình ngoại chăm sóc rồi lang thang phiêu bạt. Ban đầu, bà mưu sinh bằng nghề buôn bán lặt vặt kiếm sống qua ngày ở khắp các quận nội thành Sài Gòn. Tuy nhiên giai đoạn này, đất nước rơi vào tình cảnh hỗn mang, giang hồ lộng hành, và trong những lần tiếp xúc với những tay giang hồ, Nguyệt cảm thấy “nghề” làm “anh chị” trong giới tội phạm khá hấp dẫn nên bắt đầu dấn bước.
“Dường như, tôi được “trời phú” cho khả năng “lãnh đạo” nên chỉ trong thời gian ngắn gây dựng băng nhóm, tôi cũng có dưới trướng hơn chục đối tượng giang hồ cộm cán. Là phận nữ nhi, để chỉ huy được băng nhóm đòi hỏi phải có thần kinh thép. Hơn nữa, giang hồ ngày ấy thường hay nể trọng tình nghĩa, vì thế thấy tôi sống uy tín, anh em quy tụ và nghe răm rắp tuân theo”, bà Nguyệt nhớ lại.
Theo lời kể của bà thì băng nhóm của bà không dính dáng đến chuyện đâm thuê, chém mướn, không bảo kê vũ trường, quán bar, nhà hàng, không tranh giành địa bàn của băng đảng khác. Bởi, bà thừa hiểu với tiềm lực hạn chế, băng nhóm chắc chắn sẽ bị tiêu diệt nếu dám dại dột đụng độ với Huỳnh Tỳ hay Đại Ca Thay.
Xác định rõ chiến lược, bà chỉ đạo đồng bọn chủ yếu đến các bến xe, các điểm tập trung người vui chơi móc túi, cướp giật. Với cách hoạt động giang hồ kiểu vặt vãnh nhưng có tổ chức kín kẽ này, bà duy trì được sự ổn định của băng nhóm. Số tiền kiếm được, bà Nguyệt ăn chia sòng phẳng, tùy theo công lao của đàn em. Nếu sau này, Năm Cam xu nịnh để thống lĩnh tất cả băng nhóm giang hồ, thậm chí dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để lấy lòng đàn em, quan chức thì tính cách bà Nguyệt lại hoàn toàn trái ngược. Chính vì thế, dù là nữ nhưng bà Nguyệt có tiếng nói quyết định trong băng nhóm.
“Một khi tôi đã quyết định điều gì đó thì khó có kẻ khác lay chuyển được ý định. Ngay cả ông ấy (Năm Cam - PV), dù tôi đã từng trót dại thương yêu, cả hai từng có con chung nhưng khi cần, tôi có thể xem tình cảm kia như chưa từng tồn tại”, bà nói.
Bà Nguyệt tỏ ra hối hận mỗi khi nhắc lại quá khứ lỗi lầm. Ảnh TG
Sau này, một chuyện xảy ra đã làm bà thay đổi quan điểm sống, đoạn tuyệt kiếp giang hồ. Đó là trong một lần, băng nhóm của bà tổ chức cướp giật, người phụ nữ bị đàn em cướp túi xách làm ngã xe, chà mặt xuống đường. Nhìn cảnh tượng đó, bà đã sững người tự nghĩ, mình đã cướp giật còn hại người ta, làm việc thất đức này không để lại phúc về sau.
Cầm tài sản của nạn nhân trên tay, lúc đó bà chợt nghĩ, nếu bản thân cũng bị kẻ xấu khác ức hiếp, cướp giật thì sẽ ứng xử như thế nào? Thậm chí, bà còn tự đặt mình vào trường hợp bi đát hơn khi tưởng tượng ra cảnh tất cả tài sản mang theo trong túi, hoặc cất ở nhà bị kẻ gian lấy mất, thì cuộc sống sẽ ra sao?
Bà bảo, lần đầu tiên kể từ khi lạc bước giang hồ, lương tri trong tâm hồn bà thức tỉnh. Bà quyết định đoạn tuyệt kiếp giang hồ. Năm ấy, bà mới chỉ 26 tuổi và quyết định “rửa tay gác kiếm” đột ngột của bà khiến đàn em ngơ ngác.
Trả hận ông trùm
Quay về đường ngay nẻo thiện, bà không khó để xin được một chân phục vụ trong vũ trường. Trước thời điểm đất nước giải phóng, vũ trường chính là điểm dừng chân quen thuộc mỗi tối của các tướng tá, các quan chức của Mỹ - Ngụy. Với nhan sắc nổi bật, bà Nguyệt lúc đó được xem là hoa khôi vũ trường thực thụ. Thời ấy, bao tướng lĩnh Ngụy phải xiêu lòng, nhiều đại gia giàu có ngỏ lời muốn lấy làm vợ nhưng bà đều từ chối.
Sau này bà cho biết, vì hận tình với Năm Cam nên không mở lòng với bất cứ ai nữa. Quãng thời gian làm ở vũ trường, va chạm đủ loại thành phần xã hội, bà cảm thấy công việc này mình sẽ chẳng gắn bó được lâu nên tính đường rút lui. Gom góp chút vốn liếng, bà chuyển sang kinh doanh nhà hàng. Bản lĩnh và táo bạo, bà từng thiết lập nên một chuỗi nhà hàng nổi tiếng ở Sài Gòn.
Một chuyện mà bà Nguyệt không thể quên đó là lúc bà đang rủng rỉnh tiền bạc thì Năm Cam thất thế. Giai đoạn sau khi Năm Cam thụ án ba năm, khi ra tù được một thời gian thì Năm Cam bước vào cuộc hôn nhân chính thức với Trúc “Mẫu Hậu”. Tuy nhiên, cuộc sống của Năm Cam lúc này vẫn chẳng khá khẩm là bao, chỉ buôn bán lặt vặt, ghi sổ đề và buôn bán ở Chợ Lớn. Tiền tài bấp bênh, liên tục rơi vào vòng xoáy tù tội khiến “ông trùm” Năm Cam có lần phải cầu cạnh đến bà Nguyệt.
Bà kể, lần đó Năm Cam thấy bà làm ăn khấm khá nên tìm đến hỏi mượn tiền về kinh doanh. “Dù bản thân căm hận, ghét ra mặt nhưng tôi cố tỏ ra bình tĩnh và cho ông ấy vay không lấy lãi đến 2 triệu đồng (lúc đó tương đương với khoảng 200 cây vàng bây giờ) để làm ăn. Cầm tiền, ánh mắt ông ấy tỏ ra bối rối. Tôi thì tỏ ra hả dạ, dù sao cũng trả hận được một chút lỗi lầm do ông ấy gây ra lúc tôi vừa mang bầu”.
Chính vì nghĩa cử ấy khiến ông trùm muối mặt, ân hận vì phụ tình, bỏ rơi mẹ con bà. Thế nhưng biến động thời cuộc khiến tiền tài tiêu tan, bà Nguyệt lại trở về sống cuộc đời nghèo túng.
Những năm 80 của thế kỷ trước, giữ vị trí trùm tập đoàn tội phạm, Năm Cam “hô mưa gọi gió” trong giới tội phạm Sài Gòn. Đầy danh vọng và tiền tài, trong khi vợ lớn, vợ bé và bồ nhí đều được hưởng “lộc” đề huề của “ông trùm” thì riêng bà Nguyệt và con mình vẫn lẻ loi sống cảnh đói nghèo. Thi thoảng, ông Cam mới cho người đưa ít tiền bạc hỗ trợ nuôi con. Mãi sau này, vì sợ mất mặt với đàn em, “ông trùm” mới chi tiền mua cho người vợ đầu một căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Tôn Đản. Mấy chục năm trời, ngôi nhà ấy cũng là món quà duy nhất thể hiện trách nhiệm làm chồng, làm cha của Năm Cam. Bà Nguyệt thẳng thắn cho biết, so với số tiền ông Cam đã cho những vợ lớn, bé và bồ nhí khác thì căn nhà nhỏ này chẳng có gì đáng kể.
Bao năm qua, chính trong căn nhà “ân huệ” Năm Cam dành cho, bà đã phải rơi quá nhiều nước mắt. Cuối đời lẻ bóng, bà sống khép mình trong căn nhà chật chội với Trương Văn Hùng- con trai chung của bà và Năm Cam. Tuy nhiên, chính giọt máu của hai người lại làm cho bà tuyệt vọng nhất. Trong lần tiếp xúc với Báo GĐ&XH Cuối tuần, bà phải thốt lên trong đau đớn: “Đó là nghiệp chướng”.
Kỳ tới: “Đứa con trai bất trị” và “nỗi dày vò của người đà bà lầm lỡ”
Theo Gia đình & Xã hội