Đại Cathay tìm cách vượt ngục và được coi là mất tích luôn từ đó.
Sự thật Đại Cathay đã chết. Nhưng bao quanh cái chết của anh ta vẫn còn nhiều uẩn khúc và có lẽ mãi mãi bao trùm trong bí mật...
Có thể nói, một cách nào đó, cái chết của Đại Cathay cũng là một “huyền thoại” giống như nhiều huyền thoại xoay quanh cuộc đời của anh ta.
Từ sau khi Đại Cathay được coi là mất tích, đã có khá nhiều câu chuyện đồn đại. Loại trừ các câu chuyện hoàn toàn không có đủ cơ sở để tin cậy như Đại Cathay đã trốn thoát khỏi đảo Phú Quốc sang Thái Lan “gác kiếm giang hồ” sống cuộc đời bình dị... ít nhất cũng có ba câu chuyện khác nhau với “đầy đủ chứng cứ”:
(l) Đại Cathay đã chết tại trường đua Phú Thọ trong dịp Tết Mậu Thân (1968), (2) Đại Cathay bị Trần Tử Thanh, thiếu úy biệt kích ngụy, và tổ biệt kích giết theo lệnh Nguyễn Cao Kỳ, và (3) bị quân du kích của Mặt trận Giải phóng miền Nam bắn chết tại khu vực núi Khu Tượng trên đảo Phú Quốc.
Nhưng, trước khi đi sâu vào các chi tiết “có thể tin được” nhờ các nhân chứng người thật việc thật qua các lời đồn đại trên, xin mời cùng lược qua tiểu sử của Đại Cathay và một số câu chuyện liên quan đến tay trùm du đãng nổi tiếng này.
Tại sao lại là “Đại Cathay”? Điều tưởng như đơn giản nhất là họ tên thật, ngày tháng năm sinh và tên cha mẹ của Đại Cathay cũng đã gặp rắc rối: Lê Văn Đại, tức Nguyễn Văn Đại, tự Đỗ Minh Đức, tự Dũng, tự Đại Cathay. Năm sinh lúc thì 1944, khi thì 1940, lại có lần ghi 1941 hoặc 1945.
Cha Đại Cathay có ba tên: Nguyễn Văn Cự, Lê Văn Cự và Lê Văn Trự. Mẹ cũng có ba tên: Lê Thị Hưng, Lê Thị Hương và Lê Thị Duyên.
Việc này đã được Đại Cathay thú thật trong một lần bị Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn thẩm vấn: “Riêng về năm sanh và tên cha mẹ, tôi tự ý khai để đánh lạc hướng trong cuộc xét hỏi của nhân viên công lực, mà hiện tôi không còn nhớ rõ” (trích lời khai trong lần bị bắt vào đêm 8/4/1964).
Dẫu sao, cũng có thể khẳng định Đại Cathay lúc nhỏ ở với cha mẹ tại chân Cầu Mống (quận l), sau chuyển qua đường Đỗ Thành Nhân (Khánh Hội, quận 1), theo học văn hóa đến năm 1954 thì nghỉ học vì cha mất, phải ở nhà phụ giúp mẹ buôn bán và làm... du đãng.
Cũng có người kể, vào khoảng năm 1950, vườn hoa bên cạnh Cầu Mống nối Sài Gòn với Khánh Hội khi đó có một vựa củi lớn đối diện với hội trường Diên Hồng (hiện là Sở Thương mại Thành phố). Bố mẹ của Đại Cathay làm nghề chẻ củi thuê cho vựa củi này. Đại lúc ấy còn “nhóc tì” là một thằng bé hiền lành, ít nói, dẫu có tướng “ngầu”. Suốt ngày, Đại thơ thẩn chơi đùa bên phía hội trường Diên Hồng, vòng ra con đường sau lưng hội trường là đường Nguyễn Công Trứ.
Ngay góc con đường này có một rạp hát và chiếu bóng không lấy gì làm sang trọng lắm có tên rạp Cathay. Tại đây, chú bé Đại kết thân với nhiều trẻ em bụi đời khác làm đủ thứ nghề như đánh giày, bán báo, bán kem... Lũ trẻ này đánh lộn như cơm bữa, mà thông thường Đại luôn đánh thắng kể cả những đứa lớn tuổi và lớn con hơn nhờ Đại vốn liều lĩnh, lì lợm, thêm có “năng khiếu” đánh lộn. Gần rạp Cathay có khu Dân Sinh và bót cảnh sát quận 1. Bót này nổi tiếng dữ dằn với những ông đội xếp, mà thời ấy kêu là “mã tà” hoặc “phú lít” (police).
Gần như ngày nào đám trẻ con bụi đời cũng bị mã tà túm cổ về các tội đánh lộn, ăn cắp vặt, móc túi... và bị đánh đập ra trò. Đại cũng nhiều lần bị túm, dù không gây án cũng bị đập để cảnh sát bắt khai ra đồng bọn. Lối lấy cung khủng khiếp nhất đối với bọn trẻ là bị bắt quì xuống, hả to họng để “mã tà” bỏ tọt một con gián còn sống nhăn vô. Con gián cuống cuồng tìm đường thoát, chui theo cuống họng xuống, dãy dụa, cào cổ họng, bao tử làm chú nhóc ói đến mật xanh mật vàng. Qua những lần bị xử phạt như vậy Đại vẫn nhất định không khai gì và được thả, lại lang thang ra rạp xi-nê Cathay đánh lộn tiếp. Đám bụi đời nhóc tì ngưỡng mộ và phục Đại tính lì lợm hơn người, đặt biệt danh “Đại Cathay”.
Năm 1955, Ngô Đình Diệm thắng lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn và các giáo phái chống đối ông ta ở miền Tây. Sài Gòn khi ấy được chỉnh trang lại phần nào để mang bộ mặt mới. Vựa củi bên cạnh Cầu Mống bị dẹp để biến thành công viên. Bố mẹ Đại mất việc làm, dời nhà sang bên kia sông, ngụ tại con hẻm hãng phân Khánh Hội. Con nít, trẻ nhỏ ở bên đó thuộc khu bến tàu cũng chẳng vừa gì, vì ảnh hưởng của đời sống chính cha mẹ chúng và những người lớn ưa nhậu nhẹt thường xuyên gây lộn. Đại Cathay xông vô “trận địa mới” ngay và cũng thường xuyên thắng.
Đã có chút “máu mặt”, Đại Cathay kéo rốc đám anh em bụi đời đó sang khu Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh, họp lại làm ăn. Chỉ sau một thời gian ngắn, gây vài vụ án, tiếng tăm Đại Cathay nổi như cồn, làm lu mờ dần những tay anh chị du đãng khét tiếng hồi đó.
Cũng vì du đãng, tính đến khi mất tích, Đại Cathay bị bắt tổng cộng 10 lần (không tính những lần còn là chú nhóc), trong đó có ba lần bị đưa ra tòa xử. Nói chính xác hơn, trừ lần đầu, ngày 30/11/1959, Đại Cathay bị bắt giải Tòa sơ thẩm Sài Gòn xử hai tháng tù ở tội danh “oa trữ giấy cầm đồng hồ đeo tay”, cả 9 lần sau đó Đại Cathay đều bị bắt về các tội danh “du đãng”. Nên có thể nói, Đại Cathay đúng là du đãng, chớ không phải ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp như nhiều tội phạm hình sự khác.
Có thêm một lần Đại Cathay bị bắt không hẳn vì tội danh du đãng: Lúc 9h đêm 13/6/1962, nhà hàng Vạn Lộc ở số 32 đường Trần Hưng Đạo bị ném lựu đạn. Cảnh sát Sài Gòn bắt 3 tên Thạch Linh, Thạch Minh và Đỗ Trí Dũng để điều tra. Những tên này khai và Đại Cathay bị bắt ngày 20/6/1962. Nhưng cuộc điều tra “không đem lại kết quả” và gần ba tháng sau, Đại Cathay được thả tự do.
Xin trích lại một phúc trình của nhân viên Ban 4 phòng Hình cảnh gởi lên chủ sự phòng nói về Đại Cathay: “... Chúng tôi đã mật điều tra trong vùng Đô thành và ghi nhận những tin tức về Đại Cathay như sau: tên Đại Cathay đã sống không nghề nghiệp từ lúc 19 tuổi, y đã kết hợp một số thanh niên cùng tình trạng tổ chức những vụ đánh chém lộn khắp vùng Sài Gòn Chợ Lớn, y đã hai lần tổ chức chém người tại khu Dân Sinh (Q2) và tại Chợ Lớn. Ngoài ra y cũng đã bị chém một lần tại đường Lê Lai. Đặc biệt, số người bị đánh chém cũng như đã chém y đều thuộc thành phần lưu manh, du đãng...”.(Phúc trình ngày 15/1/1966 do Lý Văn Vàng, Võ Minh Nhựt ký tên, bên cạnh có Phó Cảnh sát trưởng Trần Văn Ơn xác nhận).
Ngoài những điểm gan lì, “chịu chơi”, Đại Cathay còn chơi rất đẹp không chỉ với dân chơi mà còn với bạn bè, nên chẳng bao lâu đã nổi lên thành “nhân vật du đãng số một” thời chế độ Sài Gòn.
Và Đại Cathay đã được cảnh sát ngụy đối xử rất đặc biệt. Xin dẫn chứng: Ngày 8/4/1964, lúc 22h15, Ban Bài trừ Du đãng thuộc Tổng nha Cảnh sát bắt Đại Cathay, giải giao đến Tổng nha ngày 10/4/1964. Đến 11h ngày 25/5, ủy ban An ninh nội bộ Tổng nha Cảnh sát nhóm họp tại văn phòng Trung tá phụ trách khối cảnh sát đặc biệt để “cứu xét những can phạm mới khai thác xong để trình Trung tá Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia quyết định”. Chỉ riêng việc Đại Cathay được ủy ban An ninh Tổng nha Cảnh sát Quốc gia họp để cứu xét cũng đủ biết anh ta được chính quyền cũ “ưu ái” biết dường nào. Cuối cùng, sau khi nhận thấy không thể “cải tạo” nổi Đại Cathay, Tổng nha Cảnh sát Quốc gia quyết định đưa anh ta ra “an trí” tại đảo Phú Quốc vào ngày 28/11/1966.
(Còn nữa)
Theo Xa lộ Pháp luật