Đi tù oan 3 tháng chỉ vì giám định viên… cộng sai số

Thứ bảy, 02/08/2014, 08:52
Từ vụ xô xát với người vợ không hôn thú, do giám định viên "ghi nhầm" tỉ lệ thương tật từ 8% thành 11% mà một người đàn ông ở Hà Tĩnh đã bị tù oan 3 tháng.

Ra tù, suốt 12 năm qua, ông đòi bồi thường oan sai nhưng không cơ quan nào thực hiện, ngay cả một lời xin lỗi cũng không có.

Ông Dương Ngọc Hồng cầu cứu Báo VietNamNet, hy vọng nỗi hàm oan được làm sáng tỏ.
Ông Dương Ngọc Hồng hy vọng nỗi hàm oan được làm sáng tỏ.

Từ mâu thuẫn trong hôn nhân

Năm 1981, ông Dương Ngọc Hồng (SN 1961, trú xóm Mỹ Tân, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) lập gia đình với bà Vũ Thị Tương (hiện đang sống tại xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh) và đã có với nhau 4 đứa con.

Tuy nhiên vì “cơm không lành canh không ngọt” nên họ đã ly dị.

Thời gian sau đó, ông Hồng làm quen với bà Nguyễn Thị Liệu (SN 1974, trú thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Hai người về chung sống với nhau tại nhà ông Hồng nhưng không có hôn thú. Đến năm 2000, họ phát sinh mâu thuẫn nên bà Liệu đưa đứa con chung về quê.

Ngày 28/11/2001, bà Liệu dẫn theo mấy người thân đến nhà ông Hồng để lấy đồ đạc mà bà cho là đã mua sắm trước đây. Giữa hai người đã xảy ra xô xát. Ông Dương Ngọc Hồng nắm tóc kéo, đấm, đá vào bụng, vào ngực, giằng co, xô xát khiến bà Liệu bị rách mặt chảy máu phải nhập viện cấp cứu vì đa chấn thương.

Sau khi ra viện, bà Liệu đã có đơn yêu cầu giám định tỷ lệ thương tật, yêu cầu xử lý hình sự và bồi thường chi phí điều trị.

Theo yêu cầu của bà Liệu, Công an huyện Kỳ Anh đã có văn bản yêu cầu giám định tỷ lệ thương tích và kết quả tổn hại là 11% vĩnh viễn (thông báo số 10/GĐPY ngày 25/1/2002 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Hà Tĩnh do bác sỹ pháp y - giám định viên Lê Công Bé ký).

Chỉ vì giám định viên “cộng nhầm số” mà ông Hồng đã bị cơ quan điều tra thời kỳ đó khởi tố bắt tạm giam.
Chỉ vì giám định viên “cộng nhầm số” mà ông Hồng đã bị cơ quan điều tra khởi tố bắt tạm giam.

Căn cứ kết quả điều tra, kết quả giám định số 10 và đơn yêu cầu của bà Nguyễn Thị Liệu, ngày 23/4/2002, cơ quan công an huyện Kỳ Anh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Dương Ngọc Hồng về tội Cố ý gây thương tích và bắt tạm giam ông Hồng.

Ngày 2/10/2002, Công an huyện Kỳ Anh kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố Dương Ngọc Hồng về tội Cố ý gây thương tích.

Ngày 29/10/2002, Viện KSND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có cáo trạng truy tố ông Dương Ngọc Hồng về hành vi Cố ý gây thương tích và chuyển hồ sơ đến TAND huyện Kỳ Anh để xét xử.

Vào tù vì… kết quả giám định sai

Ngày 25/12/2002, TAND huyện Kỳ Anh đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì ông Dương Ngọc Hồng xuất trình ý kiến của bà Thái Thị Tuyết - nguyên phó chủ tịch hội đồng giám định pháp y tỉnh Hà Tĩnh xác định tỷ lệ thương tích của bà Nguyễn Thị Liệu là 10% nên tòa án quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Qua quá trình điều tra bổ sung cho thấy, tỷ lệ thương tích của bà Liệu phản ánh tại biên bản giám định của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 25/1/2002 là 10% và sau khi giám định lại tại Tổ chức giám định pháp y Trung ương ngày 12/6/2003 cho kết quả là 8%.

Văn bản của Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định sai sót  kết quả giám định 11%.
Văn bản của Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định sai sót kết quả giám định 11%.

Nhận ra sai sót, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn số 460/CV-SYT ngày 25/9/2003 trả lời cơ quan công an huyện Kỳ Anh do bà Phan Thị Ninh - Phó giám đốc ký: “Thành thật xin lỗi cơ quan công an, Viện KSND huyện Kỳ Anh và anh Dương Ngọc Hồng về những sai sót nhầm lẫn trong giám định, đã làm ảnh hưởng đến công việc của các cơ quan và ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của anh Hồng”. Công văn cũng hứa sẽ xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm.

Ngày 9/11/2003, cơ quan điều tra công an huyện Kỳ Anh ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Dương Ngọc Hồng.

"Sau khi tạm giam 3 tháng, tôi đã có yêu cầu giám lại thương tích của bà Liệu. Trong lúc TAND huyện Kỳ Anh đưa ra xét xử thì có kết quả khẳng định thương tích bà Liệu chỉ 10% nên Tòa dừng lại và Công an huyện Kỳ Anh đã ra quyết định đình chỉ vụ án.

Và thực tế tỷ lệ thương tật của bà Liệu chỉ là 8%. Tôi không hiểu vì sao các cơ quan chức năng lại bắt giam tôi. Sau đó tôi đã đi hết cơ quan này tới cơ quan khác để đòi công lý nhưng không ai đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho tôi", ông Hồng cho biết.

Chỉ vì việc giám định viên... cộng sai số, ông Hồng đã bị bắt tạm giam và chịu oan sai trong 12 năm qua. Từ đó đến nay, người đàn ông khốn khổ này đã đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng mong tìm lại sự công bằng cho bản thân và gia đình. Con cái phải đổi họ, và nhiều hệ lụy đã xảy ra với người đàn ông tội nghiệp này.

Theo Zing

Các tin cũ hơn