Đối tượng Hoàng Văn Sơn.
Câu hỏi này đặt ra nhiều nghi vấn cho các trinh sát của Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an huyện Bát Xát. Ròng rã một năm trời xác minh, ngày 26/11 lực lượng Công an đã giải mã được vụ án.
Quang Kim là xã vùng cao, quanh năm mây phủ trắng đỉnh núi, dân bản chăm chỉ làm lụng vất vả trên nương ngô, cuộc sống bình dị cứ thế trôi đi. Bỗng nhiên, đầu năm 2013 ở xã này xuất hiện một người đàn ông trẻ tuổi, ăn mặc bảnh bao thường qua lại lén lút với một phụ nữ “quá lứa lỡ thì” ở xã. Chẳng hiểu người này có tài ăn nói thế nào mà đi đến đâu dân bản cũng quây quanh nghe anh ta kể chuyện.
Trong một đêm mưa phùn rét mướt vào tháng 2/2013, 83 người dân ở các bản cao của Quang Kim lục tục khăn gói leo lên hai chiếc xe ôtô và không quay trở về. Sự mất tích đột ngột của hơn 80 con người ở một xã vùng cao quả là chuyện động trời, dân bản xì xầm, bàn tán. Qua công tác quản lý địa bàn, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Bát Xát đã tổ chức lực lượng nắm tình hình, đến nhà dân tìm hiểu nhưng gia đình người mất tích đều lặng thinh hoặc chỉ trả lời “họ đi làm ăn xa”.
Mặc dù được Công an vận động, tuyên truyền người dân “không đi theo kẻ xấu”, nhưng một tháng sau, hơn 50 dân bản lại đi theo một xe ôtô và mất dạng. Quá hoang mang trước việc đột ngột dân bỏ đi, nhiều người bán tín bán nghi, thêu dệt ra đủ câu chuyện. Kể từ khi đó, người đàn ông lạ mặt cũng mất hút luôn…
Trước dấu hiệu nghi vấn trên, Công an huyện Bát Xát đã lập án đấu tranh. Theo cánh lái xe thuê từng chở những người dân đi "làm ăn xa" thì điểm dừng của họ là một nhà nghỉ tại tỉnh Bắc Giang. Song khi nắm bắt thông tin ở đây, lực lượng trinh sát không thu giữ được nhiều tài liệu. Chủ nhà nghỉ chỉ biết rằng có một người tên là Sơn “râu” thuê phòng đưa người sang Trung Quốc làm thuê, còn địa chỉ cụ thể của Sơn ở đâu thì không biết.
Hơn một năm sau kể từ ngày người dân đột ngột bỏ đi thì một nhóm người năm xưa đã quay về Quang Kim. Trong đó có Lò A Hương trú tại thôn Tà Trang, xã Quang Kim đã đến Công an huyện Bát Xát trình báo. Theo lời kể của Hương thì hơn một năm về trước, anh ta có quen một người tên là Bình, quê ở Bắc Giang chuyên làm nghề đưa người đi lao động ở Trung Quốc bất hợp pháp.
Thời điểm đó, Bình thường ăn, ở tại nhà chị Hồ Thị Chíp, trú tại xã Quang Kim nên Hương rất tin tưởng. Sơn hứa hẹn đưa Hương đi làm việc tại Trung Quốc với mức lương 2 nghìn nhân dân tệ/người/tháng đầu tiên. Từ tháng thứ hai sẽ tăng lên 6,7 nhân dân tệ/giờ. Thấy quá hấp dẫn, Hương đã gật đầu đồng ý với hy vọng ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đổi đời. Nhưng đổi đời đâu chẳng thấy, chỉ thấy sang đất người phải lao động cực khổ mà không được trả lương như đã hứa. Vất vả mãi cuối cùng Hương và một nhóm người mới tìm cách về Việt Nam.
Lần tìm trong nhiều tháng, Công an huyện Bát Xát đã xác định được người đàn ông lạ mặt mang tên Bình này là Hoàng Văn Sơn (29 tuổi, quê quán tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Song vào thời điểm đó, Sơn không có mặt tại nhà. Quá trình xác minh xác định Sơn là người gốc Hoa, gia đình cũng có nhiều người thân đang sinh sống tại Đài Loan nên anh ta rất thông thuộc tiếng Hoa… Cùng với lời trình báo của nhiều lao động trở về nước, Công an huyện Bát Xát đã làm rõ được thủ đoạn phạm tội của Sơn cùng đồng bọn và hành trình truy tìm tên tội phạm được thực hiện hết sức khẩn trương.
Tuy nhiên, trong lúc bị Công an huyện Bát Xát truy tìm gắt gao thì Sơn đang tham gia đường dây đưa, dẫn người ra nước ngoài trái phép ở nhiều tỉnh khác nhau và hắn đã bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt, sau đó bị tòa tuyên phạt 30 tháng tù giam. Sau khi có đủ chứng cứ chứng minh việc phạm tội của Sơn, ngày 26/11 Công an huyện Bát Xát đã khởi tố vụ án “Đưa người đi nước ngoài trái phép” và khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Sơn.
Qua đấu tranh Công an huyện đã làm rõ hành vi phạm tội của Sơn. Đồng phạm với Sơn là Nguyễn Văn Đính (28 tuổi, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) với việc đưa người lần thứ 2 từ Bát Xát sang Trung Quốc cho Sơn.
Để che giấu nhân thân, Sơn dùng tên giả, khai sai tuổi để dễ bề lừa gạt. Trong thời gian ở nhà Chíp, Sơn đã tuyên truyền, lôi kéo nhiều người dân sang Trung Quốc sản xuất kem và đóng giày với mức lương 7 triệu đồng/tháng (đã trừ tiền ăn).
Ngày 27/2/2013, Sơn thuê hai xe ôtô chở 83 người dân xã Quang Kim đi từ TP Lào Cai đến Lạng Sơn ngủ tại một nhà nghỉ chờ đến đêm tổ chức vượt biên sang Trung Quốc. Sau đó, Sơn thuê xe ôtô Trung Quốc chở những người nói trên đi hai ngày, một đêm đến tỉnh Quảng Đông làm thuê cho một công ty sản xuất kem. Họ làm được ba tháng nhưng Sơn không thanh toán tiền công, chỉ cho ứng trước 100 nhân dân tệ/người. Sau đó Sơn bịa ra bị Công an Trung Quốc kiểm tra và bắt mọi người phải chuyển đến một ngôi nhà bỏ hoang và bỏ họ lại đó nhằm quỵt tiền công.
Hai ngày sau, 190 lao động này bị Công an Trung Quốc bắt giữ vì cư trú bất hợp pháp. Sau khi bị tạm giữ 42 ngày, những lao động này được đưa trả về Việt Nam. Thế nhưng, khi xe ôtô vừa ra khỏi đồn Cảnh sát được ít phút thì Sơn đã thuê xe đón toàn bộ những người này đi đến tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và đưa vào làm việc cho các công ty đóng giày và tiếp tục bị Sơn quỵt tiền công.
Hy vọng rằng, vụ việc trên là một bài học cho người dân ở các tỉnh miền núi, không nên nghe và tin theo chiếc “bánh vẽ” mà các đối tượng phạm tội đưa ra để sập bẫy của chúng.
Theo CAND