Năm sự kiện pháp luật được quan tâm năm 2014

Thứ hai, 29/12/2014, 07:38
Năm 2014 tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các án kinh tế, tham nhũng vẫn xảy ra... Tuy vậy, nhiều vụ đại án được đưa ra xét xử với mức án nghiêm khắc cho thấy quyết tâm cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện nóng trong lĩnh vực pháp luật năm 2014.

1. Hàng loạt vụ “đại án” được đưa ra xét xử

Ngày 7/5/2014, sau nhiều ngày xét xử, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã tuyên y án tử hình đối với Dương Chí Dũng về tội tham ô và cố ý làm trái đối với vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinalines. Các thuộc cấp của Dương Chí Dũng cũng nhận bản án thích đáng.

Hàng loạt các vụ “đại án” được đưa ra xét xử trong năm 2014 với mức án nghiêm khắc cho thấy quyết tâm cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Ảnh: I.T

Ngày 23/5/2014, HĐXX TAND Tối cao tuyên phạt Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng) 16 năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Dương Tự Trọng (nguyên là Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng) cùng đồng phạm đã tổ chức cho các anh trai Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài. Đến ngày 28/8, Dương Tự Trọng lại bị TAND TP.Hải Phòng tuyên phạt 15 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Ngày 15/12/2014, HĐXX tòa phúc thẩm, TAND Tối cao đã tuyên phạt y án sơ thẩm 30 năm tù đối với Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên - nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng ACB, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và đồng phạm do có liên quan đến sai phạm xảy ra tại Ngân hàng ACB.

Cùng ngày 15/12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Thương mại CP Việt Nam (Vietinbank – Chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.

Tại phiên sơ thẩm ngày 27/1/2014, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Huyền Như mức án chung thân, đồng thời buộc Như phải bồi thường toàn bộ số tiền hơn 4.000 tỷ đồng cho các bị hại, trong khi Vietinbank không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy vậy, đến phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đã yêu cầu Vietinbank phải bồi thường số tiền hơn 1.000 tỷ đồng cho 5 đơn vị đã gửi tiền một cách hợp pháp vào tài khoản Vietinbank, sau đó bị Như chiếm đoạt.

2. Nhiều lãnh đạo ngân hàng bị bắt giữ

Ngày 24/10/2014, cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam đối với Hà Văn Thắm (SN 1972) – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) về tội “vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Sau đó, cơ quan công an cũng khởi tố và bắt Nguyễn Văn Hoàn (SN 1977) – nguyên Phó Tổng Giám đốc Ocean Bank cũng với tội danh này. Theo điều tra, tháng 11/2012, ông Thắm đã ký cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trung Dung (TP.HCM) vay sai quy định 500 tỷ đồng. Sau đó, công ty này không có khả năng thanh toán.

Ngày 20/9/2014, cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã khởi tố và bắt ông Đỗ Tất Ngọc – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng NNPTNT (Agribank) về tội “cố ý làm trái…”, liên quan đến những sai phạm tại Công ty In - Thương mại và Dịch vụ Agribank. Ngoài ra, ông Ngọc còn bị xác định có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế trong vụ án tại Công ty Cho thuê tài chính II . Trước đó, nhiều cựu lãnh đạo Agribank cũng bị bắt liên quan đến các sai phạm tại ngân hàng này.

Ngày 29/7, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh; Phan Thành Mai - nguyên thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc và Mai Hữu Khương - nguyên thành viên HĐQT, phụ trách tài chính, về tội “cố ý làm trái…”.

Ba người này đều tham gia Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Ngày 28/7/2014, HĐQT của VNCB đã miễn nhiệm họ, bầu và bổ nhiệm nhân sự thay thế. Trước khi có quyết định này, ông Phạm Công Danh giữ chức Chủ tịch HĐQT của VNCB, ông Phan Thành Mai nguyên là tổng giám đốc còn ông Mai Hữu Khương là thành viên HĐQT.

3. Xem xét những vụ án có dấu hiệu oan sai

Nếu như cuối năm 2013, vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) gây chấn động dư luận thì sang năm 2014, lại thêm nhiều vụ án được kháng nghị, hoãn thi hành do có dấu hiệu oan sai. Đầu tháng 12/2014, bị cáo Hồ Duy Hải (SN 1985, Long An), người bị tuyên án tử vì hai tội “giết người và cướp tài sản”, đã được hoãn thi hành án vào phút chót để xem xét lại vụ án do có nhiều dấu hiệu sai sót trong quá trình điều tra.

Một vụ án khác xảy ra ở Bắc Giang là vụ án Hàn Đức Long - 4 lần ra tòa đều bị tuyên án tử hình về hai tội “giết người và hiếp dâm trẻ em”. Cuối tháng 11/2014, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã tuyên hủy các bản án với Hàn Đức Long và yêu cầu điều tra lại.

Vụ án Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, xảy ra từ 16 năm trước cũng bị Viện KSND Tối cao ra kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000/HSST của TAND tỉnh Bình Thuận, đề nghị TAND Tối cao xem xét vụ án theo hướng hủy phần tội danh “giết người và cướp tài sản” đối với Huỳnh Văn Nén, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại. Ông Nén đã chấp hành án tù 14 năm.

4. Tội phạm hình sự manh động, ra tay dã man

Về tội phạm manh động phải nhắc đến vụ côn đồ nổ súng chống lại công an ở Bình Thuận vào tháng 9/2014. Băng nhóm 8 đối tượng do Nguyễn Quang Toàn cầm đầu đã nổ súng loạn xạ sau khi thua độ đá gà ở xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Bị công an truy đổi gắt gao, Nguyễn Quang Toàn đã trốn vào nhà dân cố thủ, dùng súng bắn vào lực lượng chức năng. Sau đó, tất cả các đối tượng đều bị bắt.

Một vụ án chấn động khác là vụ giết bốn người trong thời gian ngắn. Nghi can là Trần Văn Điểm (27 tuổi, ở Tứ Kỳ, Hải Dương). Điểm là nghi can giết hại một người phát cơm từ thiện ở TP.HCM vào tháng 8/2014. Đến ngày 15/9, Điểm lại đâm chết ông Phạm Văn Can để cướp xe máy tại quận Hải An, Hải Phòng. Trốn vào Quảng Ngãi, Điểm lại ra tay sát hại anh Lê Minh Hiệp cướp một xe máy Nouvo. Đến ngày 15/12, Điểm đâm chết anh Nguyễn Hoàng Ngân, chủ quán thực phẩm chay ở TP.Vũng Tàu cướp 1 xe máy. Điểm đã bị Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ.

Một kẻ sát nhân man rợ khác là Nguyễn Hoài Nam (SN 1994), trú tại ấp Long Thạnh, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Chỉ trong vòng 40 ngày, Nam đã thảm sát ba người đàn ông ở Tiền Giang để cướp tài sản. Công an tỉnh Tiền Giang đã phải vất vả mới truy bắt được tên giết người, cướp của táo tợn này.

5. Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em tàn nhẫn

Tháng 9/2014, bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi ở Bình Dương), đã bị mẹ đẻ là Thùy Trang và người tình của người đàn bà này là Trọng Minh đánh dã man. Bé Ngân được hàng xóm đưa vào bệnh viện trong tình trạng sức khỏe rất yếu, toàn thân tím tái. Phần đầu bé bị sưng to, trán và mặt bầm xanh, hai mắt bầm tím không mở được. Ngày 5/12, Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, quê Đồng Nai) bị tuyên phạt mức án 3 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long) mức án 3 năm tù.

Vào tháng 3/2014, ở TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cũng xảy ra một vụ án thương tâm. Cháu Đỗ Doãn Lộc (SN 2006) đã qua đời sau nhiều ngày cấp cứu ở bệnh viện. Thủ phạm gây ra cái chết của cháu Lộc là Đỗ Văn Lợi - cha đẻ cháu và Bùi Thị Hà - mẹ kế cháu. Tháng 8/2014, Đỗ Văn Lợi bị TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt 20 năm tù, còn Bùi Thị Hà bị tuyên án chung thân.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn