Vì sao Mỹ muốn điều tàu, máy bay đến khu vực Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông

Chủ nhật, 17/05/2015, 11:01
Đề xuất điều tàu và máy bay của Mỹ đến những bãi đá Trung Quốc đang xây dựng phi pháp nhằm thể hiện lập trường dứt khoát rằng Washington không chấp nhận hoạt động cải tạo của Bắc Kinh, và là bước tiến mới để trấn an các nước nhỏ.

Tàu chiến cận bờ USS Forth Worth của Mỹ tại Biển Đông. Ảnh: US Navy

Mỹ hôm 13/5 thông báo một trong những tàu chiến mới nhất của hải quân, USS Fort Worth, đã hoàn thành cuộc tuần tra kéo dài một tuần ở Biển Đông. Quân đội Mỹ đang xem xét khả năng điều phi cơ và tàu quân sự tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam mà Bắc Kinh chiếm giữ và đang tiến hành cải tạo.

Theo cây bút Shannon Tiezzi của The Diplomat, Lầu Năm Góc đang tìm cách chứng minh rõ ràng rằng Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc cải tạo và xây dựng trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Hoạt động bồi đắp gần đây của Trung Quốc có thể nhằm khiến cộng đồng quốc tế xem xét các đảo nhân tạo Bắc Kinh đang xây dựng như đảo thực sự và được hưởng quy chế đảo.

Theo WSJ, Mỹ tin rằng những nơi Trung Quốc đang cải tạo được coi là đá ngầm, hay là bãi cạn lúc chìm lúc nổi, chứ không phải là đảo theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và do đó không được hưởng lãnh hải 12 hải lý. Hơn nữa, điều 60 (8) của UNCLOS cũng ghi rõ "các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa".

Nếu được thông qua, tàu và máy bay Mỹ sẽ được điều đến quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong phạm vi 12 hải lý để thể hiện rằng Washington không công nhận các thực thể đó đủ điều kiện để được coi là đảo, do đó không được hưởng lãnh hải.

Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông

Mỹ quan tâm đến vấn đề Biển Đông vì Washington khẳng định có lợi ích tại khu vực này, nơi khoảng một phần ba thương mại thế giới đi qua. Điểm quan trọng hơn là các hành vi hung hăng của Trung Quốc, tiêu biểu là hoạt động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đang làm suy yếu lợi ích của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những động thái của Bắc Kinh là mối đe dọa cho các quy tắc, chuẩn mực về ranh giới biển và tài nguyên, tự do hàng hải.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã phát biểu "vấn đề quan trọng đối với chúng tôi tại Biển Đông không phải là các bãi đá, mà là các quy tắc bị vi phạm". Động thái của Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến các đồng minh và đối tác của Mỹ, những nước là nền tảng quan trọng cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Prashanth Parameswaran, cây bút chuyên về Đông Nam Á của The Diplomat, chính sách của Mỹ tại châu Á cho đến nay chưa đạt được hiệu quả mong đợi. Chính quyền Obama đã thực hiện một số bước đi để đáp trả Trung Quốc, bao gồm tăng cường năng lực cho các đồng minh và đối tác then chốt, lên tiếng chỉ trích hoạt động bồi đắp của Trung Quốc, và hỗ trợ vụ kiện của Manila chống lại Bắc Kinh.

Tuy nhiên, những động thái này chưa thay đổi đáng kể hành vi của Bắc Kinh và cũng không đủ làm các nước Đông Nam Á yên tâm. Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bồi đắp và cải tạo tại Biển Đông, phớt lờ luật pháp quốc tế, đồng thời trì hoãn việc thống nhất về quy tắc ứng xử với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Một số biện pháp Mỹ tiến hành cũng đòi hỏi thời gian, trong khi Trung Quốc lại đang thay đổi hiện trạng một cách nhanh chóng. Vì vậy, rõ ràng Mỹ cần có thêm biện pháp cứng rắn như điều tàu và máy bay đến gần những nơi Trung Quốc đang xây dựng phi pháp ở Biển Đông để kìm hãm Bắc Kinh.

Muhammad Faiz Aziz, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Luật và Chính sách Indonesia (PSHK) cho rằng, nếu Mỹ quyết định điều tàu chiến, nước này sẽ giúp các quốc gia khác đối trọng quân sự với Trung Quốc, đặc biệt là các nước nhỏ có sức mạnh quân sự yếu hơn Bắc Kinh.

Việc điều tàu và máy bay của Mỹ cũng sẽ đảm bảo tự do và an ninh hàng hải. Nhiều tàu quốc tế di chuyển qua khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nếu Trung Quốc chiếm nơi này thì có thể kiểm soát tuyến đường thương mại quan trọng và kiểm tra tàu quốc tế đi qua. Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực có thể ngăn chặn điều này xảy ra, Aziz nhận định.

Biện pháp cứng rắn với Trung Quốc sẽ thể hiện được cam kết của Mỹ với Philippines, đồng minh duy nhất trong Đông Nam Á tham gia vào tranh chấp Biển Đông. Quan hệ Mỹ - Philippines đang phát triển tích cực thông qua tăng cường hợp tác quốc phòng. Hiệp định Washington đã ký với Manila sẽ cho Washington quyền tiếp cận nhiều hơn đến các cơ sở gần Biển Đông.

Nguy cơ đối đầu Mỹ - Trung

Một số chuyên gia cảnh báo rằng quan hệ Mỹ - Trung có thể tổn hại sâu sắc nếu Washington quyết định điều tàu và máy bay đến gần những cơ sở Bắc Kinh đang xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Zhang Baohui, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Đại học Lingnan ở Hongkong, cho biết ông lo lắng về nguy cơ đối đầu giữa hai nước. Việc này có thể dẫn đến "sự leo thang ngoài ý muốn", ông nói. "Liệu họ (Mỹ) có sẵn sàng chấp nhận hậu quả của sự leo thang này?"

Trong khi đó, Parameswara nhận xét quan điểm cho rằng Mỹ không nên cứng rắn hơn với Trung Quốc là khá yếu và không xác đáng. Theo ông, gìn giữ quan hệ song phương không có nghĩa là làm ngơ trước các hành động phá hoại sự ổn định, pháp quyền, và tự do trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; nền tảng mà từ đó, sự thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, đã được xây dựng trong vài thập kỷ qua.

Hơn nữa, muốn xây dựng quan hệ thì phải cần phải có sự nhiệt tình của cả hai phía. Bắc Kinh không thể tiếp tục có những hành động phá hoại lợi ích của Mỹ mà vẫn cho rằng Washington sẽ không có phản ứng dứt khoát để ngăn chặn chúng.

Thực chất, hai nước từng thực hiện một số bước đi "mạo hiểm" trong tranh chấp ở biển Hoa Đông. Các quan chức Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc điều tàu đến gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư để thể hiện với Tokyo và những bên khác rằng nước này không công nhận đó là lãnh thổ của Nhật Bản. Mỹ điều hai máy bay ném bom B-52 của nước này bay trên bầu trời khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông để thể hiện Washington không công nhận vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc lập ra.

Biển Đông sẽ tiếp tục là bài toán quan trọng để xem thế giới và Mỹ có thể đối phó như thế nào với một Trung Quốc đang lớn mạnh nhanh chóng, trong khi vẫn giữ gìn quan hệ với Bắc Kinh.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn