Hiểm hoạ từ tài xế container

Chủ nhật, 07/06/2015, 15:50
Phải liên tục quay vòng vì thiếu lái xe, chạy nhanh để giải phóng hàng, nhiều tài xế xài bằng giả... được cho là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Tại vỉa hè đường Mai Chí Thọ (quận 2, TP.HCM) chiều 6/6, tài xế Minh vừa rít thuốc vừa tu ừng ực lon nước tăng lực rồi khoát tay ra hiệu cho phụ xe lên cabin, ra Khánh Hòa giao hàng. Theo hợp đồng, trong đêm, thùng container thiết bị điện tử lấy từ cảng Cát Lái phải được giao xong.

“Hàng gấp nên chẳng dám nghỉ ngơi nhiều. Giao trễ, chủ xe phải đền hợp đồng cho khách còn mình bị rầy, không có tiền công, thậm chí là cắt thưởng cuối năm”, lái xe 30 tuổi cho biết.

Theo tài xế xe đầu kéo, áp lực với họ rất lớn khi lưu thông trên đường. Ảnh: Duy Trần

Quê Tiền Giang, Minh theo nghề lái xe đầu kéo gần 10 năm, bôn ba từ Bắc vào Nam không thiếu tỉnh nào. “Mới giao hàng ở Đà Nẵng về hồi khuya, ngủ được 3-4 tiếng thì chủ kêu có hàng gấp phải đi. Tháng 30 ngày làm tất, đến ngủ còn không đủ chứ nghĩ gì đến vợ con...”, Minh thở dài rồi uống nốt lon nước tăng lực.

Thiếu ngủ thành "bệnh" với cánh tài xế xe đầu kéo, họ phải liên tục quay vòng để giải phóng hàng trong khi lộ trình không hề ngắn. Ngoài những chuyến tại TP.HCM, đa phần tài xế xe đầu kéo phải di chuyển với khoảng cách vài trăm đến hàng nghìn km. Do vậy việc thiếu tỉnh táo khi cầm vô lăng là điều Minh không thể phủ nhận.

"Có ai muốn xảy ra tai nạn đâu, nhưng đúng là nhiều lúc mình không thể làm chủ được bản thân. Cứ mỗi lần nghe đến chuyện tai nạn ở đâu đó là tôi không tránh được cảm giác rợn người, chùn tay và cầu nguyện cho những chuyến đi của mình luôn bình an vô sự", tài xế này chia sẻ.

Nhắc đến vụ xe đầu kéo tông chết 5 người trong ôtô tại Thủ Đức rạng sáng ngày cuối tháng 5, Minh bảo cũng biết tài xế Võ Văn Răng (48 tuổi). "Mấy hôm nay nghe báo chí nói ổng khai do đứt thắng, sau đó lại là nhấn nhầm chân ga. Không biết công an kết luận sao, nhưng anh em trong nghề đồn do ổng ngủ gật, cũng do suy từ mình ra thôi. Quãng 3-4h sáng là nỗi ám ảnh với chúng tôi. Đường vắng, chạy sướng thật nhưng không gian yên tĩnh buồn ngủ lắm. Tui cũng mấy lần ngủ gật sau tay lái", Minh nói.

Chỗ nghỉ ngơi ngay trong cabin của tài xế xe đầu kéo. Thông thường người này ngủ người kia lái thay phiên nhau. Ảnh: Duy Trần

Trong 18 năm cầm lái, anh Lê Bá Đoan bảo nhớ nhất lần chở hàng ra Hà Nội năm 2011. "Khoảng 2h sáng tôi chạy đến Bình Thuận thì cơn buồn ngủ kéo đến. Mình dại, vẫn ráng chạy cho kịp giao hàng. Ai dè “rầm rầm” rồi bị hất tung, tỉnh dậy thấy nằm trong bệnh viện", anh Đoan cho hay.

Sau này được kể lại anh mới biết mình đã cho xe lao thẳng vào trụ điện trong lúc thiếp đi. Anh bất tỉnh và được người dân đưa đi cấp cứu. “Trong cái rủi có cái may, lần đó lỡ tông xe ngược chiều hoặc lao vào nhà dân thì khổ mình, khổ người. Một lần mà sợ đến già, không dám liều mỗi khi buồn ngủ nữa”, Đoan nhỏ giọng như nói với chính mình.

Trên thực tế, hàng loạt tai nạn đã xảy ra do tài xế ngủ gật sau tay lái như container lật giữa đường. Hay do tài xế mất sức, phải giao vô lăng cho phụ xe cầm lái khiến container cuốn 4 người trong gia đình vào gầm. Đây không chỉ là nguyên nhân khiến loại xe được mệnh danh "hung thần xa lộ" gây tai nạn, mà còn xảy ra với cả  các xe khác như vụ lật xe khách tại Nghệ An; đâm đuôi xe tải trên cao tốc Trung Lương làm 4 người chết, gần 10 người bị thương...

Ông Đô có 2 xe đầu kéo tại quận 9, một chiếc giao "lính", chiếc còn lại ông tự cầm lái. Người chủ xe cho biết do đội ngũ lái xe container hiện rất thiếu, các doanh nghiệp nhỏ như ông khó tìm người nên toàn thuê các lái xe trẻ. "Họ đa phần còn non tay nghề, nhiều tài xế trẻ còn xài bằng FC giả. Bằng này giờ làm tinh vi lắm, chủ xe sao xác định được, chỉ có công an mới biết. Nhiều trường hợp khi tai nạn, cảnh sát điều tra thông báo thì chủ xe mới biết tài xế xài bằng giả", ông Đô trần tình.

Lý giải về việc thiếu tài, chủ xe này cho hay, để lấy bằng FC lái xe cần khá nhiều thời gian và khó khăn. "Ông lái xe khách thì chuyên lái loại đó, không có chuyện đùng đùng thi lấy bằng qua lái xe đầu kéo. Nên đa phần tài xế xe này thường từ phụ xe lâu năm, học lên. Nhưng quy định lái hàng chục nghìn cây số an toàn khó nhằn lắm, lâu lâu bị va quẹt coi như số km tích lũy mất hết, phải làm lại", ông Đô nói.

Vụ tai nạn do xe đầu kéo gây ra khiến 5 người tử vong ở TP HCM. Ảnh: C.T.V

Theo một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nguyên nhân lớn nhất khiến tài xế xe đầu kéo bị áp lực là thiếu người. Luật quy định, muốn thi lấy bằng FC để lái xe đầu kéo, tài xế phải có bằng C cùng 3 năm kinh nghiệm và 50.000 km lái xe an toàn. Từ quy định này, nhiều xe đầu kéo ở TP.HCM phải "trùm mền" vì không thuê được tài xế.

"Thiếu tài dẫn đến thiếu xe, các đơn hàng lại dồn dập nên doanh nghiệp vận tải phải quay vòng tài xế cho kịp thời gian hợp đồng với đối tác. Chủ xe khó, vì trễ hẹn phải đền hợp đồng nên tài xế buộc phải chạy. Thiếu tài cũng dẫn đến việc nhiều người làm giả bằng FC để chạy xe", lãnh đạo hiệp hội nói.

Đơn vị này đã đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải giải pháp "hạ chuẩn" cho tài xế lấy bằng lái FC như: tài xế trên 24 tuổi, có một năm kinh nghiệm và 15.000 km lái xe an toàn. Nếu quy định này được thông qua, tình trạng thiếu người và làm bằng giả sẽ hạn chế.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn