Đau lòng vì chiếc xe chở năm sinh mạng ấy đang dừng khi đèn tín hiệu giao thông đã báo đỏ tức họ đã chấp hành nghiêm túc luật giao thông nhưng cái tín hiệu tưởng chừng để bảo đảm an toàn ấy cũng đã không giữ nổi tính mạng cho họ.
Năm cái tên thương tâm ấy sẽ nối dài thêm danh sách đằng đẵng của những con người xấu số phải mất mạng giữa đường. Sự mất mát đau lòng này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về tai nạn giao thông vốn bấy lâu nay đã trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường. Và điều đau lòng hơn, khi sống giữa thời buổi hòa bình, không chiến tranh nhưng rất nhiều người tâm tư rằng ngày nào về tới nhà thì họ mới chắc rằng ngày đó đã được an toàn.
Ôtô 4 chỗ biến dạng sau cú tông của xe đầu kéo. Ảnh: C.T.V |
Sự thật là bức tranh giao thông và tai nạn giao thông ở nước ta từ lâu đã trở thành nỗi lo, nỗi ám ảnh của không ít du khách khi đặt chân đến Việt Nam. Hằng ngày, đi ngang qua nhiều giao lộ trong thành phố, thường thấy cảnh du khách nước ngoài dừng lại quay phim, chụp ảnh tại các điểm nút giao thông này với sự trố mắt ngạc nhiên, lắc đầu ngao ngán, chắc không ít người trong chúng ta cũng thấy chạnh lòng, xấu hổ.
Hình ảnh về văn minh giao thông và an toàn giao thông chính là bức tranh sống động nhất để nói về kỷ cương và văn minh của một đất nước. Ấy thế mà rất nhiều những hình ảnh đèn vàng nhấp nháy, nhiều xe bạt mạng phóng qua; đèn đỏ, vẫn lác đác một vài chiếc phóng qua, nhiều xe khác chồm tới vượt qua cả làn đường quy định… do du khách ghi lại đang lan tỏa khắp nơi ngoài đời thực và trên không gian mạng.
Và những vụ tai nạn thương tâm, trong đó nạn nhân có cả những du khách nước ngoài hay những Việt kiều về thăm đất nước như vụ tai nạn thương tâm trên đây càng làm cho nỗi ám ảnh về giao thông ở Việt Nam ngày một lớn hơn.
Tất nhiên cái giá phải trả không chỉ dừng lại ở những hậu quả trực tiếp, mà to lớn hơn là điều đó đang ngày ngày làm tổn thương hình ảnh của đất nước vốn được biết đến như điểm đến của sự thân thiện, mến khách.
Thay đổi bằng cách nào? Thực ra các giải pháp đã được đưa ra đầy đủ nhưng khoảng cách từ việc đưa ra giải pháp đến thực hiện vẫn cách xa vời vợi. Điều cốt lõi nhất là ý thức chấp hành luật pháp và trách nhiệm của người cầm lái ở xứ ta vẫn chưa trở thành nhận thức tối thiểu khi tham gia giao thông.
Rõ ràng, một khi người cầm lái chưa đặt an toàn tính mạng của bản thân và người đi đường cao hơn mọi lợi ích khác, nghĩa vụ chấp hành luật giao thông cao hơn mọi nguyên tắc, quy định khác thì chưa thể nói đến việc kéo giảm tai nạn xuống được.
Chiếc xe gây tai nạn có thể do đứt thắng, có thể do lỏng mất một ốc vít do việc kiểm tra qua loa, ẩu tả, tức là chỉ khuyết đi một chi tiết kỹ thuật, đã có thể xảy ra một tai nạn khủng khiếp như vậy. Nhưng nếu người cầm lái khuyết đi một phần ý thức và trách nhiệm, hậu quả sẽ khôn lường.
Theo Pháp Luật TP