Trao đổi với VnExpress ngày 21/6, đại tá Lê Văn Minh - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (đóng tại Kiên Giang) - cho biết, Ruslan (61 tuổi, sống tại Anambas, Natuna, Indonesia) đã thừa nhận cầm đầu nhóm cướp tàu Orkim Harmony chở xăng của Malaysia, đêm 11/6.
Ruslan thừa nhận việc cướp tàu Orkim Harmony. Ảnh: CSB
Băng cướp gồm 13 người, đã có kế hoạch hành động từ trước, sử dụng tàu kéo nằm trên biển suốt hai tuần để chờ "con mồi". Khi tàu Orkim Harmony trên hành trình từ Singapore về Malaysia, đến khu vực cách cảng Tanjung Sedili (Malaysia) khoảng 30 hải lý, chúng bám theo.
Từ tàu kéo, 10 tên dùng xuồng cao tốc đuổi theo tàu hàng trong đêm tối. Cập sát mạn Orkim Harmony, chúng quăng móc cho Ruslan và những tên khác mang theo nhiều hung khí leo lên. Sau khi đe dọa một thủy thủ, nhóm cướp buộc anh này đưa lên khống chế thuyền trưởng, máy trưởng. Lần lượt, toàn bộ 20 thuyền viên còn lại cũng bị nhốt ở phòng ăn, phòng máy…
Biết Ruslan đã khống chế thành công các nạn nhân, 5 đồng phạm còn lại trên tàu kéo chạy về Indonesia tìm mối tiêu thụ xăng cướp được. Trên biển, suốt nhiều ngày liền nhóm Ruslan buộc thuyền trưởng phải chạy lòng vòng để tránh sự phát hiện truy đuổi của lực lượng chức năng. Để các nạn nhân không thể chống cự, chúng luôn hăm doạ và đánh đập nặng tay.
Đến ngày 18/6, lực lượng tìm kiếm của Malaysia phát hiện sự việc, truy đuổi, yêu cầu hải tặc đưa tàu về Malaysia. Bọn chúng đồng ý nhưng đưa ra yêu sách "phải được an toàn, giữ khoảng 9 hải lý, nếu không tàu dầu và các thuyền viên sẽ gặp nguy hiểm". Bọn chúng lấy hết tài sản của các thuyền viên gồm nhiều ngoại tệ của Mỹ, Indonesia, Malaysia, Singapore, vàng, nữ trang, điện thoại di động, máy tính…
Tài sản nhóm hải tặc lấy của các thuỷ thủ tàu Malaysia. Ảnh: CSB
Dùng xuồng cao tốc có sẵn trên tàu Orkim Harmony, nhóm Ruslan đổ đầy nhiên liệu và dự trữ thêm can xăng 20 lít. Từ đó, chúng nhắm thẳng hướng đảo Thổ Chu của Việt Nam, bàn bạc kế hoạch giả vờ là ngư dân gặp nạn, cầu cứu.
"Đây là băng cướp biển chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ và rất manh động, liều lĩnh. Bọn họ có nhiều vũ khí, sẵn sàng giết người trên tàu nếu không nghe lời và có kế hoạch đối phó với cơ quan chức năng. Chắc chắn, sau khi giả làm người gặp nạn để vào Thổ Chu chúng sẽ có hành động khác nhưng chưa khai ra", ông Minh nhận định.
Theo đại tá Doãn Bảo Quyết - Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 - dù Ruslan đã tự thừa nhận nhưng còn rất quanh co, nhỏ giọt, chỉ khai nhận đây là lần đầu ra tay cướp. 7 nghi phạm khác đang được tách riêng để lấy lời khai bằng tiếng Indonesia, đang chờ phiên dịch. Tất cả đều có thái độ bình thản.
Bằng các chứng cứ thu giữ được và những thông tin phối hợp với phía Malaysia, lực lượng chức năng Việt Nam đang tiếp tục đấu tranh. "Hành vi cướp của họ đã rõ. Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để chuyển Bộ Công an phối hợp với cơ quan chức năng các nước liên quan thụ lý. Lực lượng Hải quân Maylaysia đã đưa tàu Orkim Harmony cùng 22 thuyền viên về nước an toàn", đại tá Quyết nói.
Một trong hai tàu tuần tra cao tốc thuộc Hải đội 401 – Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 truy lùng hải tặc trên biển. Ảnh: CSB |
Trước đó, ngày 13/6, Cảnh sát biển Việt Nam nhận được thông báo từ Trung tâm Điều phối cứu nạn hàng hải và thực thi pháp luật trên biển Malaysia. Họ cho biết tàu Orkim Harmony trọng tải 7.300 tấn, chở 6.000 tấn xăng không pha chì của Malaysia trên đường từ Singapore đến cảng Johor (Malaysia) bị mất liên lạc hai hôm trước, nghi bị cướp biển.
Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chỉ đạo các đơn vị và các tàu đang hoạt động trên biển rà soát thông tin liên quan. Biên đội tàu CSB 2002, CSB 2004 thuộc Hải đội 401 – Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (Kiên Giang) lên đường truy lùng, đuổi theo tàu có nhóm cướp.
Ngày 19/6, Đồn Biên phòng Thổ Chu phát hiện xuồng chở 8 người nước ngoài, cho là bị nạn trên biển, cầu cứu. Xác định nhóm người này là cướp biển đang bỏ chạy, nhà chức trách đã bắt giữ. Sau 72 giờ lùng sục, truy đuổi, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (Kiên Giang) dẫn giải 8 hải tặc về cảng An Thới, huyện Phú Quốc, rạng sáng 20/6.
Theo VNE