Thủy thủ Nguyễn Quyết Thắng (33 tuổi, quê Hải Phòng) là trường hợp hiếm hoi hai lần bị cướp biển tấn công chỉ trong vòng 4 năm. Ngoài vụ tàu Sunrise 689 do anh làm thuyền trưởng bị cướp tấn công, cướp dầu vào ngày 3/10 trên hành trình từ Singapore về Việt Nam vừa qua, anh còn là nạn nhân của cướp biển Somalia.
Tháng 1/2011, tàu Hoàng Sơn Sun tải trọng 22.800 tấn chuyên chở hàng rời lưu thông tuyến quốc tế, trên hành trình từ Iran về cảng Xiamen (Trung Quốc), khi đến gần vùng biển Ấn Độ thì bị hải tặc Somalia bắt cóc. Thuyền phó 1 Nguyễn Quyết Thắng cùng 23 thuyền viên đã bị cướp biển Somalia giam giữ đòi tiền chuộc.
"8 tên cướp hùng hổ lao lên mạn tàu, tên nào cũng được trang bị súng tiểu liên AK, B41... Chúng vừa đi vừa bắn chỉ thiên loạn xạ để uy hiếp tinh thần", anh Thắng kể. Khi lên đến buồng lái, chúng yêu cầu tàu dừng máy, dồn tất cả thuyền viên vào bên trong. Sau đó, khoảng 20 tên cướp biển khác từ một tàu cá leo lên canh giữ thủy thủ đoàn. Toán cướp biển yêu cầu tàu chuyển hướng chạy về phía bờ biển Somalia khi bóng đêm ập đến.
Những con tàu biển có trọng tải vài chục nghìn tấn, tuy nhiên khi ra đến biển cũng chỉ là "chiếc lá tre". Gặp phải cướp, số phận tàu, hàng và đoàn thuyền viên trở nên rất mong manh. Ảnh: Giang Chinh. |
Để uy hiếp tạo áp lực đòi tiền chuộc, nhóm cướp biển bắt thủy thủ đoàn ra nắp hầm hàng phơi nắng trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C. May mắn cho các thủy thủ là trước kia tàu Hoàng Sơn Sun chở gạo xuất khẩu nên còn sót lại một ít gạo ở dưới 2 khoang hàng. Đó là số lương thực hiếm hoi để phục vụ cho mọi người trong suốt 240 ngày bị giam giữ. Thức ăn hàng ngày chỉ là mấy con cá nhỏ do thủy thủ trưởng câu được.
Thiếu nước ngọt, các thủy thủ phải đánh răng, tắm bằng nước biển. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, máy trưởng Bùi Thái Hùng chợt nhớ đến chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt vốn được trang bị trên tàu, nhưng anh em ít khi sử dụng. Sau nhiều lần bàn bạc, thử nghiệm với anh em thợ máy, kỹ sư Hùng đã vận hành được hệ thống lọc nước biển đủ cho mọi người trên tàu sử dụng.
Suốt thời gian bị giam giữ, bữa ăn thịnh soạn nhất với các thủy thủ là vào dịp Tết Tân Mão (tháng 2/2011). Khi đó, nhóm cướp làm thịt 2 con dê và cho nhóm thủy thủ 2 bộ da. Anh em đầu bếp phải dùng đèn khò (lửa hàn xì) thui da dê cho sạch lông, sau đó luộc thật kỹ và chế biến thành món ăn, cùng với ít miến, ít măng khô, cá biển... để cả đoàn đón Tết cổ truyền.
"Những ngày tháng sống trên tàu không khác gì bị cầm tù, tương lai, số phận đều không thể đoán định. Một số anh em đã bị khủng hoảng tinh thần khi việc đàm phán giải cứu đi vào bế tắc, nhất là khi nghe tin trên một tàu con tin khác của Đức đã có thủy thủ tự tử do không chịu được đòn roi của cướp biển", anh Thắng kể và cho hay, sau nhiều nỗ lực thương thảo, ngày 15/9/2011 thủy thủ đoàn cùng tàu được phóng thích.
Thống kê của Tổ chức chia sẻ thông tin hàng hải quốc tế (ReAAP) cho thấy, từ năm 2011 đến tháng 7/2014, vùng biển châu Á xảy ra 11 vụ cướp dầu, riêng năm 2014 có 7 vụ. Trong đó, khu vực biển Đông xảy ra 7 vụ cướp. |
8 năm đi biển, lênh đênh khắp các châu lục, thủy thủ Văn Thức (32 tuổi, quê Hải An, Hải Phòng) từng gặp cướp biển. Năm 2011, anh Thức đi trên con tàu chở hàng rời mang tên Vinalines Star có trọng tải hơn 26.000 tấn. Tàu cập cảng Singapore nhận dầu, thay máy trưởng và máy 2, sau đó rời cảng lúc 24h đêm. Đến 4h sáng hôm sau, khi tàu đang ở vùng biển quốc tế thì bất ngờ bị toán cướp gần 10 người đi thuyền gỗ cao tốc bất ngờ cập mạn.
Chúng mang theo vũ khí tấn công thẳng vào buồng lái, khống chế đại phó 2 cùng các thuyền viên trong kíp trực, rồi vào buồng thuyền trưởng. Lúc này, thuyền trưởng đang ngủ đã bị chúng dựng dậy đánh dằn mặt, kề dao vào cổ dọa giết, đồng thời yêu cầu mở két lấy đi 30.000 USD tiền làm hàng, tiền chi phí đi lại mà thuyền trưởng vừa nhận tại đại lý của công ty tại Singapore vào chiều hôm trước.
Nhóm cướp trói và dẫn giải thuyền trưởng đến buồng đại phó, máy trưởng. Đại phó vừa mở cửa thì bị một tên cướp cầm vũ khí co chân đạp mạnh vào bụng khiến anh ngã bắn vào thành giường. Sau khi cướp sạch tiền và trói thuyền trưởng, đại phó, máy trưởng, bọn cướp khống chế đưa mọi người ra ngoài boong, rồi nhảy xuống xuồng gỗ cặp mạn bỏ đi. Trước khi đi, một tên dùng cán dao đập vào gáy, dúi thuyền trưởng ngã xuống sàn tàu.
Theo các thủy thủ, mỗi khi tấn công, cướp biển đều lên phương án khá bài bản và thường chọn thời điểm ban đêm, vùng biển vắng bóng dáng lực lượng chức năng, sau đó sử dụng tàu, xuồng cao tốc mang theo súng, dao, kiếm, thậm chí cả súng chống tăng B41 tấn công chớp nhoáng.
"Một khi chúng đặt được chân lên tàu coi như xong. Các thuyền viên sẽ phải đối mặt 2 tình huống xấu nhất: Một là chịu trói, để chúng cướp tiền, cướp hàng; hai là chống cự. Phương án chống cự không được thuyền viên thực hiện bởi lý do cướp biển rất manh động, có vũ khí", anh Thức chia sẻ.
Tàu Sơn Lộc 09 có trọng tải hơn 3.000 tấn, chạy chuyên tuyến trong nước Hải Phòng - Sài Gòn. Không chỉ lái tàu, chạy máy, một số thuyền viên tàu Sơn Lộc 09 còn kiêm cả nghề lái máy ủi thực hiện công việc ngay dưới hầm hàng. Ảnh: Giang Chinh. |
Ông Nguyễn Đức Khiêm, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Hàng hải Việt Nam cho biết, mấy năm gần đây ngành vận tải biển Việt Nam đứng trước khó khăn khiến nhiều sinh viên quay lưng với nghề. Số thí sinh dự thi đầu vào đối với khoa điều khiển tàu biển giảm hẳn so với trước đây.
Những năm 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ chọi của thí sinh khoa điều khiển tàu thường là 1/40, điểm chuẩn luôn là 23-24, nhưng nay tỷ lệ chọi chỉ 1/4, điểm chuẩn giảm xuống còn 15-16. Lý do ông Khiêm đưa ra là nạn cướp biển hoành hành dữ tợn trên các tuyến đường hàng hải huyết mạch khiến nhiều thuyền viên không chỉ của Việt Nam mà cả nước ngoài bị bắt cóc, tống tiền, bị đánh, bị giết.
Do vậy, để trang bị những kiến thức cơ bản cần thiết nhất cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, phòng chống cướp biển tấn công, ĐH Hàng hải Việt Nam mở hẳn khóa đào tạo an ninh hàng hải ngắn hạn với thời gian học 15 ngày. Các học viên được học kỹ năng xử lý tình huống trên biển, trên bờ, khi cập cảng…, trong đó nhấn mạnh cách phòng chống cướp biển.
Đối với các tàu hàng cỡ lớn đi qua eo biển có xác suất cướp biển cao, nhiệm vụ đầu tiên các thuyền viên phải làm là liên tục phun vòi rồng trên mặt boong, chung quanh tàu để tạo độ trơn trượt, tạo áp lực không cho cướp biển có cơ hội tiếp cận mạn tàu, quăng dây trèo lên. Còn với những tàu bé hơn, có mạn thấp như các tàu chở dầu, cần phải tăng cường ca kíp trực, tăng số lượng thuyền viên trực và sẵn sàng phát tín hiệu khẩn nếu phát hiện cướp biển đang đến gần.
*Tên một số thủy thủ đã được thay đổi.
Theo VNE