ĐBQH Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐB TP.HCM mở đầu phần ý kiến của mình tại phiên thảo luận tại tổ về Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) sửa đổi chiều 29/10.
Góp ý kiến thảo luận về dự án Luật NSNN (sửa đổi) lần này, ĐB Trần Du Lịch nói thẳng: "Luật lần này đổi mới không đáng kể so với luật đang có".
ĐBQH Trần Du Lịch: Dự án Luật NSNN (sửa đổi) không có nhiều điểm mới so với luật cũ |
Kỳ vọng Luật NSNN mới sẽ đổi mới căn bản quy trình thiết lập ngân sách, công bố ngân sách, kiểm toán và tuân thủ ngân sách để đảm bảo kỷ cương trong sử dụng ngân sách, nhưng ĐB Lịch tỏ ra thất vọng khi Luật NSNN lần này đổi mới không đáng kể so với luật đang có, vẫn tồn tại cơ chế địa phương và trung ương lồng ghép.
Theo ông, trên tinh thần Hiến pháp thì phải bớt lồng ghép đi để tăng trách nhiệm chính quyền tại địa phương cho minh bạch. Ngay như định nghĩa về ngân sách địa phương tại khoản 3, Điều 4 đã thấy không ổn, không biết phải hiểu ngân sách địa phương theo nghĩa gì. Cứ địa phương nào muốn năm sau được chi nhiều thì “chạy chỉ tiêu” cho hết phần chi trước đó mà không cần tính tới thu được bao nhiêu.
Do đó, định nghĩa ngân sách địa phương phải phân định rõ thành hai phần: thứ nhất là các nguồn thu theo luật định địa phương được thu. Phần thứ hai là phần chi trong nguồn thu của địa phương, HĐND địa phương có quyền tự chủ với khoản tiền này.
Ông nhấn mạnh: phần chi của địa phương lấy từ nguồn hỗ trợ của trung ương thì phải dành cho những khoản đầu tư, như chi cho phát triển giáo dục, y tế….
“Địa phương chỉ được tự chủ phần thu của mình thôi, còn phần hỗ trợ từ trung ương nằm trong ngân sách địa phương chi chứ không phải ngân sách địa phương. Nhất định không được lấy khoản tiền hỗ trợ của trung ương dành cho địa phương đem đi xây trụ sở như vừa rồi ở nhiều địa phương. Nên phải định nghĩa lại ngân sách địa phương”, ĐB Lịch nói.
Về phân bổ tỷ lệ ngân sách cho địa phương, ông Lịch đề xuất nên thông qua bằng hai kỳ họp Quốc hội. Kỳ họp đầu tiên vào giữa năm sẽ bàn thảo và mổ xẻ địa phương nào, ngành nào cần gì, hỗ trợ ra sao…. Tới kỳ họp Quốc hội cuối năm sẽ xem xét và bàn, cân đo đong đếm rồi quyết định cụ thể.
Ông tiếp lời: "Địa phương nào cần ưu tiên, ngành nào cần hỗ trợ phải rõ ràng, minh bạch. Còn như bây giờ, chúng ta đều thông qua khi mọi thứ đã an bài hết rồi. Muốn cắt cũng không biết cắt của ai, không biết thêm ai. Muốn thêm cũng không biết lấy nguồn từ đâu. Đây là nguồn gốc đẩy chạy chỉ tiêu ngân sách".
Về thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương, Phó trưởng đoàn ĐB TP.HCM cho rằng, phải thiết kế lại, thay đổi cấu trúc để minh bạch theo nguyên tắc, ngân sách cấp nào thì cấp đó phải chịu trách nhiệm ngân sách, chứ không thể phân chia ngân sách rồi khoán trắng như hiện nay được.
“Tôi cho rằng, luật NSNN lần này nên thay đổi lại quan điểm chứ còn như văn bản luật mà tôi đang có trong tay lúc này, thì không đổi mới được gì, không giải quyết được vấn đề nợ công, tài chính công như hiện nay”, ĐB Trần Du Lịch kết luận.
Theo Infonet