Thảo luận về dự thảo Luật hộ tịch tại hội trường hôm 28/10, phần lớn ý kiến các ĐBQH đều đồng thuận ý kiến nên tiếp tục giữ việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em.
Đề cập tới vướng mắc về chuyện dự thảo Luật không đặt ra nguyên tắc đặt tên cho con đang làm “khó” cán bộ tư pháp hộ tịch địa phương, ĐB Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa) nêu thực tế, cán bộ ở cơ sở sẽ bất lực khi mà thuyết phục cha mẹ đặt tên cho con thuần Việt.
Ví dụ như đặt tên xấu cho con như: Đinh Sâu Rum, Cao Ki A...; tên xấu, tên mất thẩm mỹ gây mặc cảm như Lê Văn Hận, Nguyễn Văn Lì; tên quá dài gây phức tạp như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Tâm Nhân. Đây là một cái tên rất dài của Việt Nam gây khó khăn khi làm các thủ tục.
Thực tế, từ nhiều năm qua, đã có không ít các ông bố, bà mẹ khi sinh ra đứa con của mình đã bị một biến cố tâm lý nào đó hoặc do nhận thức chưa đầy đủ, tĩnh táo, nên đã đặt cho con mình những cái tên rất… kinh dị. Điều này, phần lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý của đưa con khi đã đến tuổi trưởng thành.
Phần khác, do ý muốn “cải, hoán, đổi” những cái tên kiểu… trời ơi này, nên đã gây không ít khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở các cấp phường, xã… khi cá nhân nào đó muốn thay đổi tên là phải thay đổi hàng loạt các giấy tờ cá nhân khác như: CMND, giấy đăng ký, bằng lái xe, hồ sơ, học bạ…
Bà Nhung đề xuất, cần có nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho phù hợp với phong tục, tập quán lâu nay. Tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp với phong tục, tập quán. Ví dụ, cha mẹ là người dân tộc Đắc Klay nhưng lại lấy họ Nguyễn đặt cho con làm phát sinh họ mới dẫn đến phải cải chính hộ tịch.
Theo Gia đình & Xã hội