Đại biểu QH: 20 triệu thẻ căn cước công dân “chỉ để cất giữ”

Thứ tư, 29/10/2014, 08:56
“Cấp thẻ căn cước công dân cho khoảng 20 triệu người chủ yếu để cất giữ là điều cần phải tính toán”, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) phát biểu.

Chỉ nên cấp thẻ căn cước công dân cho người từ 14 tuổi

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Căn cước công dân chiều 28/10, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi để tránh lãng phí.

Theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), người dưới 14 tuổi chủ yếu là đi học nên giấy tờ sử dụng chủ yếu là giấy khai sinh. Vậy nên có nhất thiết phải cấp căn cước công dân cho độ tuổi này hay không?

“Bỏ ra khoản tiền 650 tỷ đồng để cấp căn cước công dân cho khoảng 20 triệu người chủ yếu để cất giữ chứ ít quan hệ giao dịch là điều cần tính toán trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn”, đại biểu bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi đề nghị nên quy định theo hướng trẻ khi sinh ra, bên cạnh đăng ký khai sinh vẫn đăng ký thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia và cấp số định danh cá nhân. Đến 14 tuổi sẽ cấp bổ sung các định dạng cá nhân như ảnh, dấu vân tay và cấp thẻ căn cước công dân với số định danh đã có.

the can cuoc

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, chỉ nên cấp thẻ căn cước công dân người từ 14 tuổi

“Quy định như vậy vừa bảo đảm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ khi sinh ra đến khi mất đi mà không tốn kém nhiều kinh phí”, bà Chi nói.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) có quan điểm, chỉ cấp thẻ căn cước công dân cho người đủ 14 tuổi trở lên để đảm bảo đầy đủ thông tin nhận dạng của công dân. Người chưa đủ 14 tuổi vẫn cấp giấy khai sinh như hiện nay.

Bởi với người dưới 14 tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân chưa ổn định, dễ thay đổi. Nếu cấp thẻ, sau đó trẻ đủ 14 tuổi sẽ phải đổi thẻ, có ảnh và có thể bổ sung thêm một số thông tin khác sẽ gây lãnh phí về thời gian, tiền bạc.

Mục đích của thẻ làm căn cước công dân để chứng minh nhân thân của một người phục vụ giao dịch cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam và phục vụ điều tra truy tố tội phạm. Tuy nhiên, người dưới 14 tuổi nếu tham gia vào lĩnh vực dân sự phải có người đại diện, người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự. Người dưới 14 tuổi không chịu trách nhiệm hình sự với mọi tội phạm.

“Vì vậy, không nên cấp thẻ căn cước công dân người dưới 14 tuổi. Nên nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm thẻ căn cước công dân ngay sau khi trẻ làm thủ tục khai sinh nhưng lưu giữ đến năm 14 tuổi mới cấp cho công dân để đảm bảo thực hiện các giao dịch theo quy định”, Đại biểu Phương đề xuất.

“Không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi”

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân trước Quốc hội chiều 28/10, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng, có hai loại ý kiến về tuổi được cấp thẻ căn cước công dân.

Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh.

Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để bảo đảm ổn định các thông tin nhân dạng của công dân đã được quy định trong Luật căn cước công dân; trẻ em chưa đủ 14 tuổi thì cấp giấy khai sinh như hiện nay và quy định trong Luật hộ tịch.

Ông Nguyễn Kim Khoa cho biết, về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi để bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013 không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Ông Khoa dẫn “Báo cáo đánh giá thủ tục hành chính của dự án Luật hộ tịch và kết quả đơn giản hóa thủ tục hành chính khi thực hiện thủ tục” của Bộ Tư pháp cho thấy, hiện có 27 thủ tục hành chính yêu cầu mang bản chính Giấy khai sinh, 32 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao Giấy khai sinh, 11 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao chứng thực Giấy khai sinh.

Quy định cấp thẻ Căn cước công dân từ khi công dân sinh ra để thay thế cho việc sử dụng giấy khai sinh góp phần giảm các thủ tục hành chính, bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất từ khi sinh ra, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ.

Ông Nguyễn Kim Khoa cho rằng, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi chỉ là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Dự kiến ngày 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước công dân.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích