Đà Nẵng “đáng tin và đáng yêu”
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: “Nói về đổi mới ở Việt Nam, theo quan điểm của tôi thì Đà Nẵng và Bình Dương là những hình mẫu thành công bậc nhất, nhưng Đà Nẵng thể hiện một đẳng cấp rất rõ ràng”.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc tế” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 25/10 (Ảnh: HC) |
Theo ông, thành công đó đặt nền móng cho Đà Nẵng không thể tư duy thể theo kiểu bình thường mà lúc nào cũng phải tiến lên những đẳng cấp mới. Đó là cách để TP này xác lập vị thế trong tình hình mới. Du lịch Đà Nẵng phải nghĩ một cách khác thường về hai yếu tố quan trọng nhất theo tiêu chuẩn du lịch hiện đại là “khám phá” và “tận hưởng”. Mà để “khám phá” “tận hưởng” thì phải “khác biệt” và “đẳng cấp!
Đáng ngạc nhiên là khi nói về sự “khác biệt” và “đẳng cấp” mà du lịch Đà Nẵng cần hướng đến, vị chuyên gia kinh tế này lại dành nhiều thời gian để nói về... văn hóa, lối sống – điều mà trong bài viết trước đó gửi Ban tổ chức để đưa vào Kỷ yếu của hội thảo, ông hầu như không đề cập.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nói Đà Nẵng là “TP đáng sống” thì có một khía cạnh rất cơ bản là phải trở nên “đáng tin và đáng yêu”. Và sự “đáng tin, đáng yêu” đó có vai trò hết sức quan trọng đối với vấn đề phát triển của du lịch TP. Đáng yêu là cảnh đẹp, nhưng đáng yêu còn là con người ở nơi chốn ấy. Mà cốt lõi đầu tiên của việc “con người đáng yêu” chính là ở chỗ “đáng tin”.
“Người Đà Nẵng là những người đáng tin cậy. Tôi đã nghĩ đi nghĩ lại và vẫn thấy “đáng tin” là một trong những phẩm chất nổi bật của con người ở đây so với nhiều nơi khác. Và người Đà Nẵng trong những năm qua đã làm được những việc cho TP mình ngày càng trở nên đáng tin cậy” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Ông dẫn chứng “ở Đà Nẵng các thứ tệ nạn giảm đi, tính trung thực của người dân được nhiều nơi ghi nhận; không có chuyện mặc cả kiểu như lừa đảo, không có kiểu đi ăn xin, ăn chặn...”.
Điều này được TS Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung tán đồng khi nhận xét rằng các vấn đề xã hội luôn được Đà Nẵng quan tâm giải quyết, tạo chuyển biến rõ nét trong việc giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc cho hoạt động du lịch.
Tình trạng bu bám, chèo kéo, bán hàng rong sẽ khiến Đà Nẵng mất điểm trong mắt du khách (Ảnh: GC) |
“Nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả, nhất là các chương trình TP “5 không”, “3 có”. Nạn chèo kéo khách du lịch, ăn xin, tội phạm đường phố được hạn chế tối đa so với các TP lớn khác trong cả nước. Đà Nẵng đã xây dựng được một môi trường du lịch rất tốt và được chọn là một trong 20 TP sạch nhất thế giới” – TS Trần Du Lịch nói.
Hãy cố giữ mình trước những sự xâm nhập
Mặc dù vậy, TS Trần Du Lịch cũng cảnh báo Đà Nẵng về việc “môi trường du lịch tại một số khu, điểm du lịch có dấu hiệu ô nhiễm và xuống cấp. Tình trạng chèo kéo khách, buôn bán hàng rong, xin ăn biến tướng vẫn còn xảy ra tại một số tuyến đường, điểm du lịch, đặc biệt là vào mùa du lịch cao điểm”.
Do đó, ông đề nghị chính quyền TP cần nghiên cứu triển khai thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, xử lý các hành vi vi phạm (gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám khách...), bảo vệ môi trường du lịch. Đồng thời đẩy nhanh việc triển khai thành lập Sở Du lịch trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Sở VH-TT-DL.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhắc lại rằng, tại hội thảo về ý tưởng xây dựng và phát triển Đà Nẵng năm 2013, một chuyên gia Nhật Bản từng khuyến cáo “hãy làm sao cho mỗi tài xế taxi ở Đà Nẵng đừng bao giờ thiếu tiền lẻ!”. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thể hiện sự “đáng tin” chính là ở những chỗ tưởng rất nhỏ nhặt đó. Đừng để từ chỗ “thiếu tiền lẻ” (có thể do vô ý) mà dẫn đến chuyện tài xế taxi lạm dụng kiếm chác của khách số tiền lẻ ấy.
“Tôi kiến nghị lãnh đạo TP làm sao để những thể chế, quy định về mặt văn hóa bảo đảm cho người dân hành xử một cách rất đáng tin. Doanh nghiệp cũng phải vậy. Trách nhiệm về chuyện kiếm chác tiền lẻ không chỉ ở tài xế mà các hãng taxi cũng phải bảo đảm cho tài xế của mình luôn đủ tiền lẻ thối cho khách.
Nếu tài xế nào cố tình viện cớ thiếu tiền lẻ để kiếm chác của khách thì phải xử lý nghiêm. Điều này phải thành quy chế, bởi vì đó là uy tín của hãng taxi, và cũng là uy tín của Đà Nẵng!” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Theo ông, Đà Nẵng được đánh giá là “TP đáng sống” thì một trong những cái làm nên sự khác biệt là phải ngày càng trở nên đáng tin và đáng yêu. Lãnh đạo TP cần có biện pháp tích cực để duy trì và tăng cường hơn nữa chương trình “5 không”, “3 có”.
“Một TP mở cửa với tốc độ ngày càng cao thì những yếu tố văn hóa lẫn phi văn hóa, văn hóa mà thực chất là phản văn hóa sẽ xâm nhập. Nên Đà Nẵng phải hết sức cố gắng để giữ mình để nâng tầm “TP đáng sống” và phát triển du lịch! “ – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Theo Infonet