Nằm sâu trong con hẻm cách chợ Cồn một bức tường ngăn là khu dân cư xập xệ thuộc tổ 10, phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Những căn nhà "hộp diêm" liền kề nhau với diện tích chỉ từ 4m2 đến 10m2. Con hẻm sâu hút rộng chừng 1m2 này hầu như không có ánh sáng, trừ những lúc có đèn điện, bởi phần không gian phía trên đã bị các hộ dân làm tạm gác gỗ để lấy chỗ nghỉ ngơi hoặc làm sân phơi áo quần.
Cuối con hẻm, nhà chị Nguyễn Thị Xí (48 tuổi) rộng chừng 5m2, là nơi sinh sống của 5 người. Mới đây đứa con út đi học lên ở tạm nhà anh em nhưng gia đình chị lại đón thêm đứa cháu ngoại về ở cùng. Mấy năm trước chồng chị qua đời nhưng do hẻm quá nhỏ, nhà chật không đủ chỗ đặt quan tài nên phải nhờ nhà cộng đồng làm tang lễ. Cạnh nhà chị Xí là nhà của người em dâu Nguyễn Thị Sáu (45 tuổi), rộng chưa đầy 4m2, là nơi sinh sống của vợ chồng chị, vợ chồng con trai và một người con út. Người phụ nữ gày gò, nước da xanh xao làm thuê ở chợ Cồn, còn chồng làm thợ đụng. Tài sản đáng giá nhất trong căn nhà này là chiếc tủ lạnh.
Trên gác rộng 3m2, chị Sáu đặt chiếc tủ quần áo đã mục. Đây là "phòng hạnh phúc" của người con trai, trong khi con dâu chị đang mang bầu 7 tháng, chưa biết tới khi sinh nở sẽ ăn ở thế nào. Do nóng bức nên gác nhỏ này chỉ dành để ngủ qua đêm. Con hẻm hơn 20 hộ nhưng chỉ có 4 nhà có diện tích làm nhà vệ sinh nên hầu hết phải đi thuê chỗ tắm giặt bên nhà vệ sinh công cộng ở chợ Cồn.
Nhà mẹ chồng của hai chị em dâu này nằm gần đầu con hẻm và cũng chỉ đủ kê một chiếc giường nhỏ, mọi vật dụng được treo lên tường. Theo người dân, khu vực này được hình thành sau năm 1975 khi nhiều hộ không có đất ở nên được phân lô tạm với mỗi nhà chừng 10m2. Sau đó nhân khẩu tăng dần nên chật chội. Họ đều có sổ hộ khẩu nhưng không có sổ đỏ vì diện tích quá nhỏ.
Ở tổ 11 phường Hải Châu 2, ngay sát chợ Cồn, có hai căn nhà xập xệ được dựng lên bằng những mảnh tôn, vách gỗ và là nơi sinh sống của hai gia đình bà Nguyễn Thị Lài (54 tuổi) và nhà chị em dâu Phan Thị Mai. "Mùa nắng thì nóng lực, trời mưa là không thể ở nổi vì mái tôn dột tứ phía, phải tìm chỗ ở nhờ", bà Lài nói. Do bị tai nạn, bà Lài bị khiếm thính. Ngày ngày bà sống bằng nghề lượm ve chai và tối đến lại về căn nhà rộng chừng 12m2 này. Hai người con trai của bà đã lớn nhưng một người bỏ đi miền Nam, một người chưa tìm được việc làm. Nhà bà Mai và bà Lài được ngăn chia tạm bằng một vách gỗ. Bên nhà bà Mai gồm 7 nhân khẩu, trong đó có 3 cặp vợ chồng, sinh hoạt chung trong căn nhà diện tích chừng 15m2. Ông Nguyễn Văn Tấn (chồng bà Mai) làm thợ thiếc, thu nhập gia đình bấp bênh nên cô con gái út Nguyễn Thị Thảo Nguyên phải nghỉ học ngang lớp 11, hiện thất nghiệp. Ở phía sau nhà, bà Mai để một khoảng trống nhỏ làm chỗ giặt và phơi. Đến mùa mưa bão, hai hộ dân này thuộc diện phải đi di tản đầu tiên ở khu "ổ chuột". Nhiều hộ dân khác xung quanh khu vực chợ Cồn cũng ở trong cảnh tù túng không kém. Chính quyền địa phương cho biết, do khu vực này được quy hoạch làm khu thương mại chợ Cồn, hiện bị "treo" hơn 10 năm nay, nên người dân không được phép sửa chữa, cơi nới nhà cửa.
Bà Nguyễn Thị Lanh (71 tuổi, trú tổ 11 phường Hải Châu 2) sống trong căn nhà chừng 10m2 hơn 40 năm nay. Thường ngày, bà dọn tạm quán nhỏ là đồ ăn vặt bán cho trẻ nhỏ nhưng hàng quán thường ế ẩm. Tuổi cao, bà Lanh sống cùng người con trai hơn 40 tuổi chưa lập gia đình vì bệnh tật. "Nhà nghèo quá nên cũng không có cô gái nào thương lấy nó làm chồng. Thân già đành bám lấy cái quán nhỏ này lấy tiền nuôi con", bà cụ thở dài. Dự kiến đến năm 2015, khu thương mại chợ Cồn được xây dựng, người dân sẽ được bố trí đi nơi khác và khi đó mới mong chấm dứt được cảnh nhếch nhác. |
Theo VNE