Phóng viên Wingfield-Hayes đã được mời tham quan tàu sân bay hạt nhân USS George Washington. Ông khẳng định cả hai tàu sân bay và 200 chiến đấu cơ của Mỹ được huy động trong cuộc diễn tập vừa qua nhằm “chạy thử” chiến lược “Air Sea Battle” (Chiến tranh trên không và trên biển) của Lầu Năm Góc.
Theo Wingfield-Hayes, chiến lược "Air Sea Battle " ra đời năm 2009, được Lầu Năm Góc thiết kế đặc biệt để chống lại các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Được biết, phi hành đoàn của tàu USS George Washington đã diễn tập hóa giải chiến thuật Chống tiếp cận, Từ chối khu vực (AA/AD).
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. (Ảnh: Want China Times)
Mặc dù Hải quân Mỹ tuyên bố rằng trận diễn tập không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Nhưng thật ra, chỉ có Trung Quốc là quốc gia đủ khả năng thực hiện dạng chiến thuật AA/AD trong khu vực.
Hải quân Trung Quốc hiện tại vẫn chưa được xem là ngang tài ngang sức với Hải quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cường quốc châu Á vẫn có hệ thống phòng thủ đủ mạnh để ngăn cản hạm đội Mỹ tiếp cận bờ biển Trung Quốc.
Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, người chỉ huy Hạm đội Tàu sân bay Tác chiến số 5, khẳng định: "Nói về khả năng của Hải quân Mỹ, tôi chắc rằng chúng tôi có khả năng hoạt động mà không bị hạn chế ở bất kỳ vùng biển nào. Nhưng vì một số quốc gia đã và đang nâng cấp các vũ khí phòng vệ tinh vi, cho nên chúng tôi cần cải thiện thêm các chiến thuật của mình".
Montgomery đã ám chỉ Trung Quốc khi đề cập đến "một số nước" có khả năng cản trở thông tin liên lạc vệ tinh, buộc hải quân Mỹ phải học cách tác chiến mà không cần sự hỗ trợ từ “ngoài vũ trụ”.
Wingfield-Hayes cho hay, "một số quốc gia” đã và đang phát triển tàu ngầm thế hệ mới, tên lửa siêu thanh tầm xa và tên lửa đạn đạo tầm trung với độ chính xác cao. Đây cũng là lý do khiến Mỹ quan ngại về khả năng tác chiến trên biển hiện nay.
Theo Pháp luật TP.HCM