|
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho hay, một bước tiến quan trọng của dự luật Căn cước công dân so với quy định hiện hành là cấp thẻ căn cước ngay từ khi chào đời, cùng với việc làm thủ tục khai sinh.
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: Có nước nào quy định cấp thẻ căn cước như cách mình đang định làm là ngay khi chào đời không, hay đủ 15 tuổi, 18 tuổi mới cấp? “Qua nghiên cứu kinh nghiệm hơn 100 nước có quy định về thẻ công dân cho thấy, tuyệt đại đa số cấp thẻ cho công dân từ 14 tuổi trở lên, hoặc 15, hoặc đủ 18 tuổi trở lên, chỉ có vài nước quy định cấp thẻ cho trẻ em là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Malaysia và Thái Lan”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng giải đáp.
Qua thảo luận, đa số Ủy viên TVQH đều đề nghị cấp thẻ căn cước cho công dân ngay khi chào đời, trên đó ghi rõ số định danh cá nhân để sử dụng thống nhất trong cả cuộc đời mỗi công dân. “Có nghĩa là công dân khi chào đời vẫn đăng ký khai sinh nhưng không phải cấp giấy khai sinh nữa mà sẽ cấp thẻ căn cước, trên đó có thể hiện số định danh cá nhân. Từ 15 tuổi trở đi mới cấp lại thẻ, bổ sung ảnh và vân tay”, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Chỉ cần số định danh cá nhân
Ủy ban TVQH đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung, làm rõ trước khi trình ra QH, là khi thực hiện luật Căn cước, sẽ giảm bớt bao nhiêu thủ tục giấy tờ khác cho công dân.
Đây cũng là câu hỏi được đặt ra tại phiên thảo luận sáng cùng ngày của TVQH về dự luật Hộ tịch. Theo lý giải của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, với việc ban hành luật Hộ tịch, có thể đơn giản hóa được hầu hết giấy tờ cá nhân trong lĩnh vực này, trừ giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Đối với các giấy tờ cá nhân khác, với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, Đề án 896 (Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020) đã đưa ra lộ trình rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa giấy tờ công dân đồng thời với việc cấp số định danh cá nhân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư.
“Đến năm 2020, khi CSDLQG đi vào vận hành, người dân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân, không cần nộp hoặc xuất trình giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính. Khi đó, có thể cắt giảm hầu hết các giấy tờ cá nhân”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường quả quyết.
Theo nghị trình, luật Căn cước công dân và luật Hộ tịch sẽ được QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7, thông qua tại kỳ họp 8, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015.
Đối với CMND đã được cấp trước ngày luật Căn cước công dân có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; trường hợp cần đổi sang thẻ Căn cước công dân thì thực hiện theo luật này. Công dân được miễn phí cấp thẻ căn cước lần đầu, các trường hợp cấp đổi lần sau sẽ mất phí. Dự kiến chi phí cấp thẻ căn cước khoảng 467 tỷ đồng.
Theo Đề án 896 Chính phủ cung cấp tại Ủy ban TVQH hôm qua, thông qua việc thiết lập CSDLQG về dân cư với khoảng 18 thông tin cơ bản nhất của công dân và cấp cho mỗi công dân một số định danh cá nhân để tra cứu thông tin khi giải quyết thủ tục hành chính, sẽ có tối thiểu 1.300 thủ tục hành chính được đơn giản hóa thông qua bỏ những giấy tờ là thành phần hồ sơ đầu vào của thủ tục hành chính. Để làm được điều này, phải sửa đổi tối thiểu khoảng 177 văn bản quy phạm pháp luật. |
Theo Thanh Niên