Sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận xoay quanh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
Theo tờ trình của Chính phủ, số lượng dự án luật, pháp lệnh trình ra trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 dự kiến là 28, kỳ họp thứ 8 dự kiến là 34. Với con số quá lớn các dự án luật và pháp lệnh như trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét tăng số kỳ họp chuyên trách từ hai lên ba hoặc tăng số ngày họp để giải quyết lượng công việc khổng lồ này.
Không đồng ý với ý kiến đề nghị tăng thêm một kỳ họp chuyên trách từ hai lên ba của Chính phủ, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải nâng cao hiệu quả của công tác làm luật thay vì giải pháp tình thế là tăng số ngày họp hay tăng kỳ như hiện nay.
Phát biểu thảo luận đầu tiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Tình hình thực hiện các chương trình thực hiện luật, pháp lệnh chưa được nghiêm. Nhiều luật, pháp luật rút ra khỏi chương trình hoặc lùi thời gian”.
Ông Hiển cho rằng nguyên nhân chính là do công tác soạn thảo không đảm bảo yêu cầu đặt ra và kiến nghị: “Quốc hội có thể kéo dài thời gian họp để làm luật tốt hơn”.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng của Quốc hội, ông Nguyễn Kim Khoa đề nghị Chính phủ đánh giá lại những điểm yếu và điểm mạnh trong việc làm luật. Theo ông Khoa, khâu yếu nhất hiện nay là thời gian trình các dự án luật, hầu hết các luật trình ra trước Quốc hội đều không đúng quy định trước kỳ họp 30 ngày.
Ông Khoa tán đồng với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nên ưu tiên xem luật nào cần thiết thì làm trước nhất là những luật không đúng tinh thần Hiến pháp sửa đổi và có tác động trực tiếp tới đổi mới thể chế, luật nào chưa cần thiết có thể lui lại sau. Ông Khoa cũng cho rằng nên tăng số ngày họp chứ không nên tăng kỳ.
Cũng phản đối việc tăng số kỳ họp chuyên trách từ hai lên ba với lý do tốn kém, nhất là trong khâu đi lại của các đại biểu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu kinh nghiệm của Quốc hội Lào: “Họ chỉ thảo luận các vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều nên thời gian họp Quốc hội chỉ 15 ngày, thời gian họp Thường vụ chỉ 5 ngày”.
“Cái khó nhất vẫn là thời gian Chính phủ trình dự án luật ra trước Quốc hội, nhất là Chính phủ có kịp không, chất lượng thế nào?” – ông Phúc băn khoăn.
Ông Trần Văn Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cũng cho rằng “có tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề nữa cũng không giải quyết được nếu như quá trình soạn thảo vẫn không đáp ứng được tiến độ thực hiện như hiện nay”.
“Đối với các dự án đã đưa vào thì phải chuẩn bị kỹ, đảm bảo đủ chất lượng” – ông Hằng góp ý kiến.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn dự đoán Quốc hội Việt Nam sẽ "đạt kỷ lục guiness một năm có tới ba kỳ họp". Ông Sơn cũng lo lắng với số lượng luật, pháp lệnh quá nặng như thế “chất lượng xây dựng thế nào, sức khỏe đại biểu thế nào, hội trường có vắng một nửa không?”.
Ông Sơn đề nghị rà soát lại theo hướng thứ tự ưu tiên, chỉ tập trung vào các dự án luật trong chương trình, hạn chế việc bổ sung và rút các dự án luật.
Hầu hết các ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng cách giải quyết căn bản vấn đề vẫn phải là đổi mới quá trình thực hiện và thảo luận các dự án luật và pháp lệnh của Quốc hội.
Theo Một thế giới