Cụ thể, các học sinh ở các lớp bên và lớp 11A5 đã chiếm tới 70% số học sinh nhiễm sởi.
Cũng trong ngày 23/4, tại Trường THCS Đống Đa ( Kim Liên, Hà Nội) có khá nhiều học sinh nghỉ học vì bị nghi lây nhiễm sởi, mặc dù được biết các em đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trước đấy, Bộ Y tế và các bác sĩ đã cảnh báo, sởi không chỉ là bệnh ở trẻ em mà ngay cả người lớn cũng cần đề phòng, đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ hoặc phụ nữ đang mang thai.
Nhiều học sinh nghỉ học vì nhiễm sởi tại trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).
Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tính đến ngày 23/4 đã có gần 400 bệnh nhân phải điều trị nội trú, trong đó có hơn 30 bệnh nhân trên 15 tuổi bị sởi biến chứng phế quản phổi, 23 trẻ em dưới 15 tuổi.
Theo một thạc sĩ điều dưỡng tại BV Bệnh Nhiệt đới TW, từ đầu năm đến nay, đã có tổng số 458 bệnh nhân đến khám và nội trú được xét nghiệm có kết quả dương .
Theo các chuyên gia về dịch tễ, có ít nhất hai điểm bất thường ở mùa dịch sởi năm nay. Đó là tỷ lệ tử vong rất cao và tỷ lệ nhiều bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh.
Cũng theo số liệu ghi nhận của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), hôm 23/4, Khoa Nhiễm A của bệnh viện có 91 ca mắc sởi đang điều trị nội trú thì có đến 40 bệnh nhân là người lớn (trên 15 tuổi). Tính từ đầu năm đến nay, trong 1.031 ca nhập viện điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, có đến 345 bệnh nhân là người lớn (trên 15 tuổi), chiếm 33%.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đang thăm một bệnh nhân lớn tuổi ở Bệnh viện Nhiệt đới.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo ở trẻ nhỏ thì biến chứng sởi thường là viêm phổi, còn với trẻ lớn và người lớn thì biến chứng sởi thường là viêm cơ tim, viêm não.
Bác sĩ Khanh cũng cho biết, bệnh viện đã bố trí riêng hai phòng bệnh để điều trị nội trú cho bệnh nhi sởi theo phương pháp cách ly hoàn toàn. Nếu bệnh nhân tăng cao, bệnh viện sẽ mở rộng khu cách ly cho đến hết phòng cấp cứu khoa nhiễm.
Bác sĩ Khanh cũng cho biết, sởi là bệnh nếu ai đã từng mắc thì cơ thể sẽ có miễn dịch với vi rút sởi, hầu như mắc một lần sẽ không mắc lại lần nữa. Nếu tiếp xúc với nguồn bệnh, mặc dù phụ huynh không bị bệnh do đã có miễn dịch nhưng vẫn có thể là trung gian truyền vi rút sởi cho trẻ, người chưa được tiêm phòng, chưa có miễn dịch với vi rút sởi.
Dịch sởi bùng phát và đối tượng mắc phải chủ yếu là trẻ nhỏ chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ. Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là thời gian qua, nhiều vụ tiêm phòng dẫn đến biến chứng gây tử vong ở một số trẻ nhỏ đã khiến không ít bậc phụ huynh lo ngại.
Viện truởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, ông Nguyễn Trần Hiển cho biết: “Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam được bắt đầu chính thức từ năm 1985, với việc triển khai tiêm 6 mũi vắc-xin cơ bản cho tất cả trẻ em dưới một tuổi trong đó có sởi. Trong nhiều năm liên tục tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em đều đạt trên 90%”.
Theo Một thế giới