Tờ New Straits Times của Malaysia ngày 29/10 cho biết, các nhà điều tra quốc tế điều tra khía cạnh tội phạm trong thảm họa MH17 đang xem xét khả năng rằng chiếc máy bay này bị bắn hạ bởi một máy bay khác.
Diễn biến mới này được đưa ra sau hơn một tháng khi nhóm điều tra quốc tế kết luận rằng chiếc Boeing 777-200ER chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn bị nạn tại Donetsk, miền Đông Ukraine dường như bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không.
Những mảnh vỡ của máy bay MH17 gần làng Rassipnoe, miền Đông Ukraine ngày 15/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trung tâm của lý thuyết mới này được Nhóm điều tra hỗn hợp (JIT) đưa ra qua thu thập lời khai từ các nhân chứng và việc không có vệt khói từ tên lửa được cho là đất đối không BUK-M1.
Tên lửa này khi phóng đi sẽ tạo một đám mây khói khổng lồ khi đánh lửa khởi động động cơ của tên lửa này, và vệt khói này có thể quan sát bằng mắt thường trong vòng 10 phút trước khi bị gió thổi đi.
Người dân tại ngôi làng hiện trường vụ tai nạn đã chính thức công nhận và được các báo trích dẫn rộng rãi rằng họ đã chứng kiến "hai vụ nổi trên không và điều này giải thích tại sao các mảnh vỡ nằm cách nhau".
Một người khác cho biết: "Có một máy bay khác, máy bay quân sự, bay cạnh MH17. Mọi người đều nhìn thấy." Nhân chứng thứ ba cho biết: "Có tiếng vang của một vụ nổ. Nhưng những âm thanh này từ trên trời. Vụ nổ đã làm thay đổi quỹ đạo máy bay và có hướng như hiện tại ở hiện trường."
Vào ngày 6/8, tờ New Straits Times trích dẫn nguồn từ quân đội Malaysia cũng cho biết chiếc máy bay đã bị bắn hạ. Vài ngày sau khi vụ bắn hạ, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã đưa ra bằng chứng, gồm cả những hình chụp từ radar, cho thấy có ít nhất hai máy bay quân sự đang bám theo MH17.
Phía Nga xác định hai máy bay này là máy bay do Nga chế tạo loại Sukhoi Su-25 “Frogfoot” của Không quân Ukraine sử dụng. Chiếc Frogfoot được trang bị loại pháo hai nòng 30mm Gsh-302 dùng tấn công các thiết bị bọc thép. Súng này có khả năng bắn 2.000 phát trong vòng 1 phút. Khoảng cách tối thiểu phát huy tác dụng là khoảng 300m và có thể bắn trúng mục tiêu từ 2.000m.
Hà Lan đang đảm nhận vai trò đứng đầu trong việc điều tra thảm họa MH17. Do hiện trường vụ nạn rất nguy hiểm không thể tiếp cận do đang còn giao tranh, do đó những nhà điều tra cũng chủ yếu dựa vào những thông tin được đăng tải công khai và tiến hành điều tra từ xa.
Cả hai chính phủ Mỹ và Nga đều đưa ra tuyên bố về kẻ đứng đằng sau thảm họa MH17, cả hai bên đều trích dẫn nguồn tin tình báo tuy nhiên những thông tin này không được công bố công khai.
Phía Mỹ nói rằng những hình ảnh vệ tinh do Mỹ thu được cho thấy MH17 bị bắn rơi bởi tên lửa đất đối không do những phần tử ly khai được phía Nga hậu thuẫn. Phía Nga nói rằng máy bay quân sự của Ukraine đã bắn hạ MH17. Các công tố viên đang mong muốn phí Mỹ cung cấp thêm thông tin hình ảnh 10 phút trước và sau khi thảm họa xảy ra.
Theo Tiền Phong