Giận Mỹ, Hungary dọa rút khỏi EU sau rạn nứt từ Ukraine

Thứ tư, 29/10/2014, 14:32
Được làm thành viên của EU và NATO là khát vọng của hầu hết các quốc gia Đông Âu. Tuy nhiên, làm thành viên của hai khối này cũng bị ảnh hưởng đến chủ quyền. Hungary dù đã có chân trong EU nhưng cũng dọa rút khỏi EU sau khi thấy chủ quyền bị xâm phạm. Nhưng nguyên nhân sâu xa có thể do giận Mỹ sau rạn nứt từ Ukraine.

Dân Hungary đã đốt cờ Liên minh châu Âu

Hôm thứ Ba, Chủ tịch Quốc hội Hungary đã đe dọa Brussels rằng nước ông sẽ rút khỏi Liên minh châu Âu nếu EU can thiệp vào công việc nội bộ của Hungary một cách thô bạo.

Thành viên của đảng Fidesz - đảng theo đường lối bảo thủ của Hungary, Laszlo Kover, nói: "EU cứ thúc ép và ra lệnh cho Hungary phải làm gì sẽ dẫn đến việc Hungary rút lui khỏi khối một cách từ từ và thận trọng".

Chuyện này bắt nguồn từ việc đảng cầm quyền Fidesz ra sáng kiến đánh thuế liên quan đến Internet khiến EU không hài lòng. Hàng ngàn người Hungary đã xuống đường phố để phản đối sáng kiến trên dẫn đến cảnh Hungary rơi vào hỗn loạn hôm Chủ nhật (26/10). Tại thời điểm đó, người phụ trách vấn đề truyền thông mạng của ủy ban châu Âu, Neelie Kroes lại kích động người Hungary xuống đường.

"Nếu Brussels tin rằng các quốc gia phải tuân theo các quy tắc ứng xử (của họ), thì điều này nhắc nhở chúng ta về những hành động của Liên Xô (với Hungary) vào năm 1956", hãng thông tấn MTI của Hungary dẫn lời Chủ tịch Quốc hội nước này.

Sự rạn nứt giữa Hungary với EU và Mỹ xuất phát từ vấn đề Ukraine và lệnh trừng phạt Nga. Hungary muốn nhân Ukraine bất ổn đã đòi thành lập khu tự trị cho người Hungary và chỉ trích các lệnh trừng phạt chống Nga khiến kinh tế Hungary bị ảnh hưởng. Nhưng Mỹ phản đối quyết liệt nguyện vọng của Hungary.

Tuần trước, tùy viên ở sứ quán Mỹ tại Budapest, ông André Goodfriend đã mạnh miệng chỉ trích các chủ trương nghiêng về Nga của Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ông nói, Hungary phải ủng hộ EU cấm vận Nga và không đề cập trao quyền tự trị cho một cộng đồng Hungary đang sống ở Ukraine trong lúc bất ổn này.

Ông Goodfriend cũng chỉ trích các chính sách thân Nga của Hungary như ủng hộ đường ống dẫn khí South Stream, hoặc ký hợp đồng với Nga để mở rộng nhà máy hạt nhân Paks ở Hungary, theo một quy trình mà ông nói là thiếu sự minh bạch.

Ông nói Mỹ đã đề cập nhiều vấn đề với Hungary về mối quan hệ của nước này với Nga. Ông nhắc lại cáo buộc rằng, Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine để nói "Budapest phải đứng cạnh EU trong việc trừng phạt Nga".

Trong thời gian qua, chính phủ Thủ tướng Orban thường xuyên bất đồng với EU và Mỹ về những cải cách, mà phe đối lập chỉ trích là gây tác động xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài, cùng làm suy yếu hệ thống giám sát tại Hungary.

Hungary đã cùng một số nước Đông Âu chỉ trích lệnh trừng phạt kinh tế Nga. Vì lệ thuộc nặng vào nguồn khí đốt Nga, Hungary cũng tích cực quảng bá việc xây dựng đường ống dẫn khí South Stream. EU chưa quyết dự án trị giá 40 tỷ USD này có phù hợp luật pháp EU hay không. Hungary nói đường ống này tăng cường an ninh năng lượng bằng cách tạo thêm một nguồn cung dự phòng.

Theo MTG

Các tin cũ hơn