Công an phát tờ rơi cảnh báo tội phạm: Thế nào mới là có trách nhiệm?

Thứ tư, 29/10/2014, 12:45
Thật đáng tiếc khi một việc tốt mới được công an phường Phạm Ngũ Lão manh nha thử nghiệm thì đã bị đình lại vội vã.

1. Có lần ở chân tháp Eiffel, Paris tôi được hai cảnh sát đẹp trai người Pháp “chăm sóc” nhiệt tình chỉ vì xách một cái túi đen. Thấy họ mắt không rời, khoảng cách giữ không đổi, thỉnh thoảng lại thảo luận gì đó qua điện đàm, tôi đã quyết định lại gần hỏi họ có muốn kiểm tra đôi giầy tôi vừa mới mua trong túi. Họ vui vẻ xin phép được kiểm tra rồi phân trần về công việc của mình nhằm đảm bảo an ninh cho du khách.Tôi cũng được họ cảnh báo về nạn cướp giật, móc túi trên đường phố và trên các phương tiện công cộng.

Được biết, sau khi ở Paris xảy ra ngày càng nhiều các vụ móc túi, cướp giật, cảnh sát nước này ngoài việc tăng cường đảm bảo an ninh còn phối hợp chặt chẽ với các công ty du lịch và đại sứ quán trong việc đảm bảo an toàn cho du khách và phát tờ rơi khuyến cáo về an ninh trên địa bàn. Những hành động này không hề gây phản cảm, ngược lại còn giúp du khách không bị rơi vào hoàn cảnh khó xử.

Cảnh sát Pháp tuần tra ở quảng trường Trocadero phía trước tháp Eiffel - Ảnh: AFP

Hơn 10 năm trước khi những công việc này chưa được tăng cường, một vài người bạn của tôi khi mới sang Paris du học và du lịch đã bị móc túi mất tiền, giấy tờ và lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Còn năm ngoái khi tôi trở lại, điều đầu tiên tôi được nghe sau màn chào hỏi là lời cảnh báo của các bạn và đồng nghiệp về việc giữ gìn tư trang nơi công cộng.

Thậm chí khi ngồi trong ôtô cá nhân, tôi cũng được bạn bè khuyến cáo không nghe điện thoại, không để túi xách lộ liễu, vì có những nhóm trộm rất manh động sẵn sàng đập kính ôtô để cướp dù xe đang di chuyển. Điều này không khiến tôi kém yêu Paris, trái lại nó giúp tôi cẩn thận hơn để những ngày lưu trú không mất đi niềm vui.

2. Việt Nam vốn là điểm đến an bình, tuy nhiên, trước xu hướng gia tăng của loại tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản nhằm vào du khách nước ngoài, Công an quận 1 TP.HCM có chỉ đạo công an các phường, các đội nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn quản lý. Đơn vị này đã tham mưu đưa ra sáng kiến tuyên truyền phát tờ rơi cảnh báo cho du khách nước ngoài.

Những ngày qua, Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 TP.HCM đã tổ chức phát tờ rơi với những lời khuyên hữu ích để du khách bảo vệ tư trang và những địa chỉ, số điện thoại cần thiết cùng số đường dây nóng khi gặp sự cố khi đi du lịch ở Thành phố. Đây là một việc làm đúng đắn, có tính đột phá trong việc bảo vệ du khách.

Công an TP.HCM phát 'tờ rơi' cho du khách nước ngoài (ảnh: PLO)

Việc làm này không mới so với thế giới nhưng lại khá lạ lẫm ở Việt Nam, thể hiện trách nhiệm với du khách. Đây còn được coi là nỗ lực phát triển ngành du lịch, hướng đến một môi trường du lịch an toàn hơn của thành phố khi mới đây, Sở Du lịch TP.HCM vừa được tách riêng. Có thể vì còn khá lạ lẫm nên bên cạnh những ý kiến ủng hộ, việc làm này đã nhận được một số ý kiến trái chiều khá gay gắt, cho rằng công an TP.HCM tự làm xấu mặt mình và “bôi xấu” hình ảnh của thành phố.

Trong tờ rơi có đoạn: “Các hành vi tội phạm bạo lực xảy ra thường xuyên tại TP.HCM. Hãy giữ chặt túi xách bên mình, tránh đeo trang sức đắt tiền và không quá phô trương khi chụp ảnh bằng máy ảnh hoặc điện thoại”. (Violent crime is very often in Ho Chi Minh City. Keep your bags close to your body, avoid wearing precious jewelry and try not to be too flashy with your camera and phone)

Hay “Đừng tin vào đồng hồ công-tơ-mét trên taxi. Đây là hành động móc túi hành khách một cách trắng trợn của lái xe không trung thực. Hãy lựa chọn các hãng taxi đáng tin cậy như Vinasun và Mailinh”. (Do not trust the taxi meter. Ripping off unsuspecting passengers is an art form for dishonest driver. Stisk to reliable companies such as Vinasun taxi and Mailinh taxi).

Có nhiều ý kiến cho rằng ngôn ngữ tiếng Anh trong tờ rơi chưa chuẩn, cách sử dụng câu chữ chưa khéo có thể dẫn tới sự hiểu lầm hoặc gây hoang mang cho những người dự định chọn Việt Nam để đi du lịch. Việc nêu đích danh tên hai hãng taxi trong tờ rơi bị cho là hành động vi phạm luật cạnh tranh... Đây đúng là những khiếm khuyết  và hoàn toàn có thể sửa chữa và khắc phục được.

Hai du khách với tấm biển dòng chữ tiếng Anh: "Chúng tôi đến từ Hong Kong. Xin hãy cẩn thận với những tên cướp chuyên chạy xe gắn máy". Ảnh: Tuoitre.

Dĩ nhiên, việc quan trọng nhất của công an là trấn áp tội phạm, tuy nhiên với phương châm "phòng hơn chống" thì tờ rơi cũng có thể được coi là một biện pháp hỗ trợ hiệu quả. Trước một việc làm trách nhiệm của tập thể công an phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, thiết nghĩ nên ủng hộ.

Những gì còn chưa hoàn thiện thì nên đóng góp ý kiến để họ làm tốt hơn, sao cho du khách và bạn bè họ khi đọc được nội dung tờ rơi sẽ cảm nhận được sự nồng nhiệt và sự quan tâm thiết thực từ phía chính quyền sở tại. Du khách sẽ muốn đến Việt Nam hơn khi cảm thấy sự thân thiện, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ từ phía cơ quan an ninh. Tất nhiên ngôn ngữ và cách thức cảnh báo trong tờ rơi cũng cần khéo léo, tránh để du khách khi đọc xong thì... sợ không dám đến TP.HCM nữa.

Thật đáng tiếc khi một việc tốt mới được manh nha thử nghiệm thì đã vội bị đình lại để “chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên”.

Trấn áp tội phạm có hiệu quả cần tổng hợp rất nhiệu biện pháp, trong đó có tuyên truyền, giáo dục. Tôi nghĩ, việc in tờ rơi phát cho du khách của công an phường Phạm Ngũ Lão (TP.HCM) cũng không nằm ngoài những biện pháp đó.

Có lẽ chỉ cần làm khéo hơn một tý là ổn.

Theo VOV

Các tin cũ hơn