Đại biểu Đinh Xuân Thảo đề nghị không nên đưa nguồn thu từ xổ số và đất đai vào nguồn thu ngân sách (Ảnh ND) |
Chiều ngày 29/10, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có phiên thảo luận về dự thảo Luật ngân sách.
Cho ý kiến về luật này, đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng, dự luật ngân sách sửa đổi chưa bao quát giải quyết tối đa bất cập của luật ngân sách nhà nước hiện hành. “Quản lý thu – chi vẫn theo tư duy cũ, cứ lập kế hoạch xong rồi lại duyệt, xong cứ thế lại chi. Thậm chí thu không tới nhưng chi thì cứ chi như trong báo cáo ngân sách. Chi là cứ chi thường xuyên mà thu thì không được, chi như ấn định và các cấp cứ thế chi thôi”.
Về dự phòng ngân sách nhà nước, theo đại biểu Hùng, không nên quy định cho một số bộ, ngành, trung ương được giữ lại 5% dự toán chi thường xuyên, bởi trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp thì quy định này sẽ dẫn tới ngân sách bị phân tán và lãng phí.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo thì cho rằng, lẽ ra phải có luật về tài chính công, nó sẽ bao phủ toàn bộ trong đó có luật ngân sách nhà nước. Đi vào đối tượng thu và chi, đại biểu không đồng tình với việc đưa vào khoản thu xổ số kiến thiết và sử dụng đất. Vì xổ số không phải tỉnh nào cũng có, mà chỉ một số tỉnh có thôi.
“Người ta nói tiền của dân chứ không phải tiền của nhà nước, mà chính là của người nghèo. Người nghèo mới đi mua xổ số, còn người giàu không ai mua cả. Tiền đó để dùng vào việc như là trường học, bệnh viện, nếu đưa vào ngân sách chung là làm việc khác” – ông Thảo nói.
Đối với tiền sử dụng đất, lâu nay chính là động lực để địa phương có nguồn thu và phát triển. Đại biểu Thảo đề nghị hai lĩnh vực này nên giữ như hiện hành, không nên đưa vào nguồn thu để mang tính chất tận thu.
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, một đất nước muốn phát triển cần đảm bảo quốc phòng an ninh. Nhưng Luật ngân sách lại không thấy đâu, nên đại biểu đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ.
“Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, rồi bây giờ lại đang có dã tâm về Biển Đông. Chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ trong quan điểm quốc tế đối với Trung Quốc, phải không bị động, phải đảm bảo ưu tiên bố trí ngân sách để bảo vệ chủ quyền quốc gia” - bà Khánh nhấn mạnh.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng rộng, không thể quy định luật thu chi theo kiểu Việt Nam, tính bội chi cũng phải phù hợp thông lệ quốc tế. Theo đại biểu, việc phân bổ ngân sách cần căn cứ vào phân cấp quản lý KTXH cho từng Bộ, ngành, địa phương. Anh làm tốt tôi giao việc cho anh và giao tiền tương ứng. Ngược lại cơ chế thu cũng phải theo luật, nếu nộp chậm, thiếu thì phải có chế tài. Ngoài ra dự toán thu cũng phải đảm bảo mức nào.
Theo đại biểu Chu Sơn Hà, Luật ngân sách cũ có hiệu quả thực tiễn nhưng còn nhiều hạn chế, nhất là việc thực hiện nguyên tắc tài chính tập trung thống nhất quản lý, thời gian qua rất nhiều cơ quan có thẩm quyền, các ban ngành thò vào túi ngân sách. Ông ví dụ, cùng cán bộ công chức, nhưng lại có một văn bản có một cán bộ công chức của ngành này được 1,8 lần lương tối thiểu của ngành khác. Hay một chế độ tiền lương, phụ cấp theo lương có nhiều chủ thể.
Đại biểu Hà đề nghị cần phải tập trung thống nhất quản lý trong việc chi ngân sách trong thời gian tới. Ngoài ra cũng phải thực hiện nguyên tắc đảm bảo nghiêm túc các dự toán ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt dự toán ngân sách hàng năm, kể cả đầu tư dự án phát triển và chi thường xuyên.
Theo Infonet