Vào thời điểm trên, một số cư dân B10A phát hiện thấy có mùi khét bốc lên nên đi kiểm tra. Khi họ lên đến tầng 13 thì thấy cửa phòng 1311 khép hờ, khói phát ra từ trong đó. Thấy vậy, người dân đã tri hô nhau, tìm cách dập lửa tại chỗ.
Một cư dân nói, khi anh mở hộc đựng dụng cụ chữa cháy lấy vòi và mở van thì hộc cứu hỏa của 2 tầng 12, 13 hoàn toàn không có nước.
Chung cư B10A thời điểm xảy ra hỏa hoạn.
Nhận được tin báo của quần chúng, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cùng các cơ quan chức năng địa phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai công tác dập lửa. Sau khoảng 20 phút, đám cháy đã cơ bản được dập tắt.
Tại hiện trường, đám cháy đã thiêu rụi hầu hết tài sản của hộ dân ở phòng số 1311, nhưng rất may không gây thiệt hại về người.
Cư dân B10A Nam Trung Yên sơ tán xuống sân.
Phải nhấn mạnh rằng, đây không phải là trường hợp cháy chung cư đầu tiên xảy ra. Trước đó, một số vụ cháy chung cư diễn ra và được người dân phát hiện sớm nhưng không tài nào dập được lửa vì hệ thống phòng cháy chữa cháy của toà nhà chỉ để "làm cảnh". Điển hình, vụ cháy chung cư tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh xảy ra vào cuối 2014 là một điển hình. Mặc dù cư dân phát hiện hoả hoạn khi ngọn lửa còn nhỏ, nhưng không có nước để khống chế. Cuối cùng, ngọn lửa lan ra rộng, thiêu rụi một căn hộ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những điều kiện để được xây chung cư là hệ thống phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, hệ thống báo cháy tại một số khu chung cư lại không hoạt động, chủ đầu tư trang bị cho có, nhằm qua mặt cơ quan chức năng khi cấp phép. Và cũng có rất nhiều toà chung cư được trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại, tuy nhiên sau một vài năm đi vào hoạt động thì hệ thống này bị hư hỏng do không được bảo trì thường xuyên.
Mặt khác, nhiều chủ đầu tư chung cư với quan niệm bán nhà xong là hết trách nhiệm. Để tối đa hóa lợi nhuận, họ thường tìm kiếm những nhà thầu lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy có giá rẻ nhất mà không quan tâm đến chất lượng do nhà thầu cung cấp. Và để hoàn thành công trình với giá rẻ mà vẫn đảm bảo có lãi cao, các nhà thầu này phải đưa vào sản phẩm kém chất lượng. Chẳng hạn, thay vì lắp thiết bị báo cháy, chữa cháy chế tạo tại Nhật Bản, Hàn Quốc, đơn vị thi công đưa vào lắp đặt thiết bị của Trung Quốc hay Malaysia với giá rẻ hơn rất nhiều.
Theo tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế, hệ thống báo cháy phải lắp 2 lớp, gồm một lớp trên vách trần và một lớp phía dưới. Thế nhưng, tại Việt Nam, để tiết giảm chi phí, hệ thống báo cháy chỉ được lắp đặt bên dưới, trong khi lớp bên trên vách trần với hệ thống dây điện các loại rất dễ chập cháy lại không có hệ thống cảnh báo. Mặt khác, do thiết bị báo cháy không đúng tiêu chuẩn quy định khiến hệ thống cảnh báo cháy không hoạt động bình thường. Và phần lớn toà chung cư đều được trang bị hệ thống chữa cháy vách tường, hoàn toàn phụ thuộc vào con người, trong khi hệ thống cảnh báo cháy không hiệu quả.
Theo Năng lượng Mới