Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án hình sự “Nguyễn Văn Thúy cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; xâm phạm mồ mả, hài cốt và trộm cắp tài sản”. Vụ án này đặc biệt được dư luận quan tâm khi có những kẻ cả gan làm tiền trên nỗi đau, sự mất mát của thân nhân các anh hùng liệt sĩ.
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã
Tháng 11.1997, Thúy - Duyên bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt, khởi tố, xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Thúy bị tuyên 10 năm tù nhưng được tha trước thời hạn, ra tù năm 2004. Còn Duyên bị phạt 12 năm tù, cũng được tha trước thời hạn (năm 2007). Sau khi ra tù, cả hai dọn về sống ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh).
Năm 2008, chứng nào tật nấy, cả hai tiếp tục lợi dụng tâm linh, lừa tìm kiếm mồ mả, hài cốt cho những ai có nhu cầu để kiếm lợi bất chính. Thúy - Duyên đã lần lượt lôi kéo, tổ chức cho Nguyễn Văn Hoành (SN 1969, em ruột Thúy), Nguyễn Anh Chiều (SN 1983, con rể Duyên), Mẫn Đức Phương (SN 1978, em ruột Duyên), Nguyễn Trường Sơn (SN 1987) cùng tham gia.
Khi đã có đủ băng nhóm, Thúy lên “kịch bản” chi tiết cho những phi vụ làm ăn bất lương. Ban đầu, Thúy - Duyên dùng thủ đoạn mua tiểu sành cũ và giao cho Hoành đem chôn làm giả nơi có mồ mả, hài cốt. Sau đó, Thúy - Duyên sử dụng phương thức “quy vong”, “nhập vong” để người bị nhập vong đi theo hướng Thúy xác định, còn Duyên đi sau lưng người bị “nhập vong” để “dẫn vong”, “dỗ vong” hỗ trợ cho Thúy “điều khiển vong” đến được khu vực hiện trường đã chuẩn bị sẵn rồi đợi đến ban đêm mới cho tiến hành khai quật, tránh bị phát hiện làm giả.
Sau 2 năm gây dựng tiếng tăm, cộng thêm sự đồn đại, Thúy ngày càng được tôn sùng, nổi tiếng với nghề “tìm kiếm hài cốt, mồ mả”. Năm 2010, Thúy được nhiều người đến nhờ tìm hài cốt liệt sĩ hy sinh tại các tỉnh phía Nam. Nhân cơ hội đó, Thúy - Duyên công khai thêm việc “tìm kiếm” hài cốt liệt sĩ.
Lấy trộm hài cốt liệt sĩ vô danh
Để làm được việc đó, Thúy trở thành “tổng đạo diễn” lên một “kịch bản” chi tiết, với những mánh khóe tinh vi hơn. Trước tiên, với mỗi “con mồi” đến nhờ tìm hài cốt, Thúy đều yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến liệt sĩ (như họ tên, quê quán, đơn vị chiến đấu, thời gian và địa điểm hy sinh…); đồng thời thỏa thuận giá cả cụ thể với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong đó “lễ trình” đặt lên điện thờ của nhà Thúy từ 10-15 triệu đồng.
Khi đã có tiền, có thông tin về liệt sĩ, Thúy - Duyên tìm mua các đồ dùng cũ như bi đông, dép cao su, mũ cối, ngôi sao, cúc áo bộ đội… và cùng Phương khắc tên liệt sĩ lên các vật dụng trên để làm giả di vật của liệt sĩ. Thúy-Duyên lôi kéo Chiều vừa làm nhiệm vụ lái xe vừa tham gia cùng Hoành lấy trộm hài cốt trong các ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên tại các nghĩa trang liệt sĩ.
Ban ngày, Thúy - Duyên dẫn đàn em, vờ là khách viếng, đến thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ với mục đích quan sát địa hình, chọn khu vực mộ. Đêm xuống, chúng cạy lật từng phần mộ liệt sĩ rồi nhặt hài cốt bỏ vào bao nylon, xong dọn dẹp và đậy nắp mộ lại như cũ.
Sau khi có hài cốt liệt sĩ, Duyên đưa về tại nơi nghỉ và trực tiếp cùng Sơn kiểm tra, chia hài cốt thành các nhóm xương (xương sọ, ống chân, tay…) rồi bỏ vào các túi bóng khác nhau. Mặt khác, Duyên mua xe máy cũ giao cho Hoành, Phương, Sơn sử dụng đi làm giả hiện trường trong đêm (như đã đề cập đầu bài này).
Tại cơ quan điều tra, Thúy khai: Hiện trường giả được chuẩn bị xong, Thúy gọi điện cho thân nhân liệt sĩ biết địa điểm, thời gian “cất bốc” hài cốt. Khi đến hiện trường, Thúy thắp hương làm lễ để “nhập vong” vào những người phụ nữ là thân nhân liệt sĩ; đồng thời xác định khoảng cách, phương hướng mà hài cốt đã được chôn giấu.
Nhiệm vụ của Duyên là đi sau lưng người bị “nhập vong” và dùng tay đẩy “vong” hỗ trợ cho Thúy điều khiển “vong” đến vị trí chôn cất hài cốt đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, Thúy cắm hương đánh dấu vị trí nhưng lại giở nhiều thủ đoạn kéo dài thời gian chờ đến khi trời tối mới cho khai quật để tránh bị lộ.
Khi khai quật, Duyên luôn là người trực tiếp cất bốc để đề phòng trường hợp có sai sót làm lộ việc. Nhiệm vụ của Chiều hoặc Phương là dùng máy quay phim ghi hình cảnh cất bốc hài cốt liệt sĩ, những cảm xúc, giọt nước mắt mừng tủi của thân nhân liệt sĩ để về biên tập, in thành đĩa VCD đem bán lại cho các gia đình nhằm khuếch trương thanh thế, tạo dựng uy tín để ngày càng nhiều người tin và nhờ Thúy tìm hài cốt.
Cho quản trang tiền để lấy hài cốt Trong vụ án này, đối tượng Vũ Đức Chung (SN 1946) là quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ Đăk Tô, Kon Tum. Chung từng là bộ đội, sau đó công tác phong trào tại Thị ủy Kon Tum đến năm 1989 thì nghỉ hưu. Tháng 2.2013, Thúy cùng đồng bọn đưa di vật cùng hài cốt trộm được vào Đăk Lăk để thực hiện một phi vụ, trên đường đi có ghé nghĩa trang Đăk Tô, đưa Chung 30 triệu đồng để Chung cho lấy thêm hài cốt tại một số ngôi mộ liệt sĩ vô danh ở đây. Chung bị cơ quan công an đề nghị truy tố về tội “xâm phạm mồ mả, hài cốt”. |
Theo DânViệt