Trong khi đó, lô gỗ trắc nhập khẩu là tang vật vụ án đã bị đem bán đấu giá trái pháp luật với số tiền chỉ trên 63 tỉ đồng. Nạn nhân vụ án - Cty Ngọc Hưng đã liên tục gửi đơn kêu cứu lên Chủ tịch Nước và Chủ tịch Quốc hội đề nghị được làm sáng tỏ, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm.
Hàng trăm tỉ đồng gỗ nhập khẩu từ Lào của Cty Ngọc Hưng bị tịch thu tại cảng Đà Nẵng, rồi sau đó bị đem bán đấu giá với giá bèo. |
Ngày 30.5.2012, Tổng cục Hải quan (TCHQ) phát công văn số 2567 gửi Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an (C46) về việc chuyển hồ sơ vụ án buôn lậu xảy ra tại cảng Đà Nẵng.
Ngày 6.6.2012, C46 có công văn phúc đáp số 231 gửi TCHQ cho rằng “vụ việc chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu quy định tại Điều 153 BLHS”. Tuy nhiên, sau đó vụ án hình sự vẫn được tiếp tục.
Có sai phạm nhưng không trái quy định của Nhà nước
Kết quả điều tra của C46 về sự việc như sau: Ngày 17.12.2011, Cty Ngọc Hưng (số 111 đường 9, Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) mở tờ khai hải quan số 1505/NK/KD B033 tại Hải quan CK Lao Bảo để nhập lô hàng gỗ trắc có nguồn gốc từ Lào; nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) là gần 3,3 tỉ đồng. Lô hàng đã được thông quan.
Ngày 19.12.2011, Cty Ngọc Hưng mở tờ khai tại Hải quan cảng Cửa Việt và đã được thông quan, niêm phong 22 container chuyển về cảng Đà Nẵng để xuất sang Trung Quốc. Ngày 4.1.2012, TCHQ tại thông báo số 101 đã chỉ đạo các cơ quan thuộc ngành trong đó có Đội 2 Cục ĐTCBL khám xét toàn bộ lô gỗ nhập khẩu nói trên.
Theo đó, kết quả điều tra của C46 cho thấy: “Cty Ngọc Hưng khai là gỗ trắc cam bốt nhưng thực tế kiểm tra lại là gỗ trắc cẩm lai nam, không có trong khai báo 21m3 gỗ giáng hương và 867 sản phẩm gỗ các loại”. Từ đó, C46 khẳng định: “Cty Ngọc Hưng có hành vi khai báo không đúng về số lượng, chủng loại gỗ so với thực tế xuất khẩu theo quy định trách nhiệm của người khai báo tại Điều 23 Luật Hải quan.
Nhưng những sai phạm này không trái với những quy định của Nhà nước về công tác quản lý xuất nhập khẩu những sản phẩm này. Do vậy chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu quy định tại Điều 153 BLHS mặc dù lô hàng đã được thông quan”.
Về việc chênh lệch giữa khai báo hải quan với số lượng gỗ thực, C46 cho biết theo tính toán việc khai báo sai đã giảm số thuế xuất khẩu phải nộp là 743 triệu đồng, nhưng cân đối tổng thể toàn bộ lô hàng thì số gỗ tròn Cty Ngọc Hưng thực xuất lại nhỏ hơn số Cty kê khai và tính thuế là rất lớn (khoảng trên 100m3). Do vậy số thuế Cty này trốn đóng không đáng kể hoặc có thể Cty đã nộp nhiều hơn so với thực tế phải nộp.
Vẫn khởi tố hình sự
Ngày 30.12.2011, khi lô gỗ được xếp lên tàu ở cảng Đà Nẵng thì TCHQ có công văn hỏa tốc yêu cầu giao toàn bộ hồ sơ cho Cục ĐTCBL (TCHQ) “khám xét, điều tra, xác minh để xử lý nhanh, nghiêm”. Ngày 6.3.2012, Cục ĐTCBL ra Quyết định số 02 khởi tố “vụ án buôn lậu xảy ra tại cảng Đà Nẵng” đối với Cty Ngọc Hưng. Ngày 12.4.2012, Cục ĐTCBL ban hành quyết định thu giữ toàn bộ lô gỗ nói trên.
Sau khi chuyển hồ sơ cho C46 và được cơ quan này trả hồ sơ vì “chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu”, ngày 11.6.2012, TCHQ có văn bản gửi Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ CA đề nghị chỉ đạo Cơ quan CSĐT Bộ CA tiếp nhận và điều tra vụ án.
Sau đó khoảng 5 tháng, ngày 19.11.2012, Cơ quan CSĐT - Bộ CA (C44 - P4, chứ không phải C46 nữa!) đã khởi tố bị can và bắt giam ông Trương Huy Liệu - Phó giám đốc Cty hơn 1 năm; cấm bà Trần Thị Dung (vợ ông Liệu) đi khỏi nơi cư trú không thời hạn.
Liên quan đến vụ án, ngày 22.5.2013, một nhân viên của Cty Ngọc Hưng là Trần Đình Quang (SN 1986), ngay sau khi làm việc với cơ quan điều tra trở về từ Hà Nội đã thắt cổ chết tại nhà riêng để lại nhiều di thư mà CA tỉnh Quảng Trị thu giữ có nội dung cho rằng đã bị điều tra viên C44 dọa nạt, ép cung, đánh đập...
Ngày 7.5.2014, Vụ 1 Viện KSND Tối cao có cáo trạng đề nghị truy tố vợ chồng ông Trương Huy Liệu bà Trần Thị Dung ra trước TAND TP.Đà Nẵng để xét xử về “tội buôn lậu quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 153 BLHS” với lý do “Cty Ngọc Hưng đã lập bộ hồ sơ, chứng từ giả, sau đó dùng bộ hồ sơ này để buôn lậu 614,672m3 gỗ không rõ nguồn gốc, xuất xứ”. Tuy nhiên, sau 2 ngày xét xử sơ thẩm (30 - 31.10.2014), TAND TP. Đà Nẵng đã trả lại hồ sơ vụ án cho Viện KSND Tối cao để điều tra bổ sung.
Trong đơn kêu cứu lần thứ 3 đề ngày 24.5.2015 gửi Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, ông Trương Huy Liệu viết: “Khoản 2, Điều 121 BLTTHS quy định trong trường hợp vụ án do TAND trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn là không quá 1 tháng. Vậy nhưng, từ ngày TAND TP. Đà Nẵng trả hồ sơ đến nay đã quá 7 tháng nhưng vụ án vẫn không được đưa ra xét xử. Như vậy, cơ quan tố tụng sơ thẩm lại tiếp tục cố ý vi phạm tố tụng”.
Theo LaoĐộng